Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được nhiều người biết đến hơn, bởi là tuyến cao nhất điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhưng có lẽ mọi người mới chỉ biết đến Bệnh viện qua những con số, qua những ca bệnh nặng được cứu sống, qua đội ngũ nhân viên tận tụy và hết mình vì công việc. Chứ chưa mấy ai biết rằng, đằng sau những gì Bệnh viện đã làm được, còn có sự hy sinh thầm lặng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
Tuần vừa qua là một tuần thật nặng nề và khó khăn. Chúng tôi đã phải đón nhận những thông tin buồn: Một nữ điều dưỡng bị chính bệnh nhân mình đang chăm sóc hành hung, một đám cưới phải huỷ và liên tiếp hai người Mẹ của những nhân viên đang vừa phải làm việc vừa phải cách ly tại Bệnh viện mất.
Theo quy định, họ không thể về nhìn mặt người thân lần cuối, chỉ biết kính cẩn nghiêng mình, dành một phút mặc niệm từ xa. Cầu nguyện cho vong linh người đã khuất an giấc ngàn thu.
Lần thứ 2 này là mẹ chồng của một cán bộ đang thực hiện công tác chống dịch tại Bệnh viện. Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Còn chị, vẫn trong khu cách ly, không được nhìn mẹ chồng lần cuối.
Đại diện Bệnh viện, cũng không thể đến chia buồn cùng gia đình, bởi Thanh Hóa (quê chồng chị) đã có lệnh cách ly những người về từ vùng dịch từ hôm qua. Chúng tôi, những cán bộ và nhân viên Bệnh viện đành vái vọng từ xa, gửi chút lòng thành, cầu an và chia buồn với gia đình có người đã mất.
Những ngày cách ly cũng sắp kết thúc nhưng với chị, ngày về quê thắp hương vái mẹ vẫn còn rất xa...
Lần thứ 2 trong tuần, tại buổi giao ban bệnh viện, các cán bộ, nhân viên y tế dành 1 phút mặc niệm người thân đồng nghiệp vừa qua đời. Lần trước là hôm 15/5, mẹ của vợ chồng bác sĩ T.V.G cũng đã qua đời sau 6 năm điều trị ung thư phổi, nhưng vì chống dịch anh chị cũng không thể về chào mẹ lần cuối...
Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn dài, còn bao câu chuyện bi, hài không muốn chép ra...
Nhưng sau những thời khắc ấy, họ phải gác nỗi đau sang một bên, biến đau thương thành hành động. Họ lại lao vào cuộc chiến, chiến đấu với kẻ thù vô hình, giành giật sự sống cho người bệnh.
Có thiệt thòi nào bằng chuyện hạnh phúc trăm năm phải gác lại?
Có nỗi buồn nào bằng khi ta bị chính người ta đang chăm sóc sức khoẻ cho họ hành hung?
Có nỗi đau nào bằng việc mất đi người Mẹ thân yêu, nhưng lại không thể về nhìn mặt lần cuối?
Vậy mà những nhân viên y tế của Bệnh viện nói riêng và của biết bao con người đang thầm lặng góp công sức cho cuộc chiến đấu với dịch bệnh trên cả nước nói chung, đang phải chịu đựng.
Và hôm nay, chính những nữ nhân viên y tế đang nuôi con nhỏ, phải cách ly và làm việc tại Bệnh viện, đã dành những giọt sữa ngọt ngào của mình cho em bé vừa được mổ cấp cứu từ người mẹ là bệnh nhân COVID-19 đêm qua. Một việc nhỏ nhưng thật đáng trân trọng biết bao.
Chúng tôi luôn tin, để công cuộc phòng chống dịch thành công, thì những hy sinh của nhân viên y tế chỉ là một phần nhỏ bé. Sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, của các ban ngành đoàn thể, sự đồng lòng chung tay của toàn dân và ý thức phòng chống dịch của từng cá nhân mới là yếu tố lớn tạo nên thành công.
Ngoài những thời khắc buồn đau, ngoài những lúc làm việc vất vả, thì những chia sẻ, động viên, hay những lá thư viết tay, nét chữ còn run run của các con học sinh tiểu học, chính là nguồn động lực rất lớn, dành cho nhân viên y tế chúng tôi vượt qua cuộc chiến lần này...
-Tính đến 21/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 -đơn vị tuyến đầu chống dịch đang phải cách ly y tế. Toàn bệnh viện hiện có 358 bệnh nhân và 376 cán bộ, nhân viên. Bệnh viện cũng đang điều trị cho 360 bệnh nhân, trong đó khoảng 20% là bệnh nhân nặng, 37 bệnh nhân phải thở oxy, 87 bệnh nhân có những bệnh lý nền. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ thầy thuốc nơi đây phải tạm gác những chuyện vui buồn của bản thân, từng ngày từng giờ chiến đấu với "tử thần" hồi sinh sự sống cho người bệnh. Thông điệp cao cả về sự hi sinh thầm lặng của các cán bộ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch khiến chúng ta cảm phục và biết ơn.... |