Năm 2016, Choi Sung Won phải bỏ dự án Mirror Of The Witch, do bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Đến giữa năm 2017, nam ngôi sao thông báo anh đã khỏi bệnh.
Đáng buồn là vào năm 2020, căn bệnh quái ác quay trở lại khiến nam diễn viên phải nhập viện.
Sau 6 năm điều trị, anh đã xuất hiện trong tập mới nhất của Between Us và chia sẻ nhiều hơn về bệnh tình của mình. Vì bạo bệnh, anh đã lập di chúc khi mới chỉ 35 tuổi.
Choi Sung Won tâm sự: “Có những lúc tôi vẫn tự hỏi liệu đây có phải là sự thật hay không. Tại sao nó lại xảy ra với tôi? Tôi vừa thương vừa ghét khi bạn bè đến thăm. Tôi phải ghép tủy cách đây 2 năm do bệnh bạch cầu tái phát. Vì không biết chuyện gì sắp xảy ra nên tôi đã viết di chúc”. Choi Sung Won cũng chia sẻ thêm về tình trạng sức khỏe hiện tại, “Tôi đã trải qua ca ghép tủy để điều trị cơ bản. Toàn thân tôi cảm thấy mệt mỏi, mắt khô và nứt móng tay. Tôi cũng thường xuyên bị hụt hơi, khó thở”.
Bệnh bạch cầu mà Choi Sung Won mắc phải là một bệnh ung thư máu do sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể.
Các tế bào bạch cầu đó lấn át các tế bào hồng cầu và tiểu cầu mà cơ thể cần để khỏe mạnh, và các tế bào bạch cầu này không hoạt động bình thường.
Bệnh bạch cầu xảy ra như thế nào?
Máu có ba loại tế bào: bạch cầu chống nhiễm trùng, hồng cầu vận chuyển oxy và tiểu cầu giúp đông máu.
Mỗi ngày, tủy xương của bạn tạo ra hàng tỷ tế bào máu mới, và hầu hết trong số đó là hồng cầu. Khi bạn bị bệnh bạch cầu, cơ thể bạn tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn mức cần thiết.
Các tế bào bạch cầu này không thể chống lại nhiễm trùng như cách các tế bào bạch cầu bình thường làm. Và bởi vì số lượng quá nhiều nên chúng bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác. Theo thời gian, bạn có thể không có đủ hồng cầu để cung cấp oxy, đủ tiểu cầu để đông máu hoặc đủ lượng bạch cầu bình thường để chống lại nhiễm trùng.
Các triệu chứng bệnh bạch cầu
Các loại bệnh bạch cầu khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong giai đoạn đầu. Khi xuất hiện các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:
- Suy nhược hoặc mệt mỏi
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Nhiễm trùng nặng hoặc dễ tái phát
- Đau xương hoặc khớp
- Nhức đầu
- Nôn mửa
- Co giật
- Giảm cân
- Đổ mồ hôi đêm
- Khó thở
- Sưng hạch bạch huyết hoặc các cơ quan như lá lách.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ bệnh bạch cầu
Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu. Những người mắc bệnh này có một số nhiễm sắc thể bất thường.
Bạn không thể ngăn ngừa bệnh bạch cầu, nhưng một số điều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Bạn có thể có rủi ro cao hơn nếu bạn:
- Tiếp xúc nhiều với khói
- Tiếp xúc với nhiều bức xạ hoặc một số hóa chất
- Đã xạ trị hoặc hóa trị để điều trị ung thư
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu
- Bị rối loạn di truyền như hội chứng Down
Chẩn đoán bệnh bạch cầu
Bác sĩ sẽ cần kiểm tra các dấu hiệu của bệnh bạch cầu trong máu hoặc tủy xương của bạn. Họ có thể làm các bài kiểm tra bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Công thức máu hoàn chỉnh (CBC) xem xét số lượng và sự trưởng thành của các loại tế bào máu khác nhau. Xét nghiệm máu giúp tìm kiếm các tế bào bất thường hoặc chưa trưởng thành.
- Sinh thiết tủy xương: Xét nghiệm này bao gồm việc lấy tủy từ xương chậu bằng một cây kim dài. Nó có thể cho bác sĩ biết loại bệnh bạch cầu bệnh nhân mắc phải và mức độ nghiêm trọng của nó.
- Chọc dò thắt lưng: Xét nghiệm này này liên quan đến chất lỏng từ tủy sống của bạn. Nó có thể cho bác sĩ biết liệu bệnh bạch cầu đã lây lan hay chưa.
- Các xét nghiệm hình ảnh: Những loại ảnh chụp như CT, MRI và PET có thể phát hiện các dấu hiệu của bệnh bạch cầu.
Điều trị bệnh bạch cầu
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu mắc phải, mức độ lây lan của nó và tình trạng khỏe mạnh của bạn. Các lựa chọn điều trị chính là:
- Hóa trị liệu
- Bức xạ
- Liệu pháp sinh học
- Liệu pháp nhắm đích
- Cấy ghép tế bào gốc
- Phẫu thuật