Theo Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn Trung tâm. Điển hình gần đây là nam bệnh nhân 31 tuổi, được chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.
Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà bệnh nhân cho biết: Từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.
Trung tâm Đột quỵ cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ. Ảnh: BVCC
BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất. Qua hội chẩn các chuyên khoa: Bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.
Theo các chuyên gia, chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ.
Người bị cao huyết áp cần làm gì để phòng đột quỵ
Theo bác sĩ Dũng, bất kể ai, kể cả người trẻ cũng nên đi tầm soát đột quỵ não do tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đã và đang gia tăng. Người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện, chế độ ăn uống thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi có bệnh, hoặc đột quỵ phải nhập viện mới ngã ngửa có mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp …
Nếu đã phát hiện tăng huyết áp cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám lại định kỳ để điều chỉnh thuốc và phát hiện sớm các biến chứng. Những bệnh nền này nếu không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ, nguy cơ biến chứng, di chứng nặng nề.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu đột quy, người bệnh cần cảnh giác
Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi có dấu hiệu dưới đây, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt:
- F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân đột quỵ não cần duy trì thuốc theo đơn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.