Người nhà cho biết sau khi phát hiện bệnh nhân trên giường trong tư thế vật vã kích thích, đau đầu, nói ngọng, yếu nửa người bên trái, người thân đã xử trí bằng cách bôi nước gừng, dùng kim để chích máu các đầu ngón tay và tai để nặn bỏ "máu độc".
5 tiếng sau, thấy tình trạng không cải thiện, người đàn ông 66 tuổi, mới được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não.
Nhiều trường hợp đột quỵ não nặng được cứu sống nhưng di chứng nặng nề. Ảnh: Mạc Thảo
Hình ảnh chụp tại viện cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2, buộc phải can thiệp cấp cứu lấy huyết khối, với mục tiêu tái thông mạch máu não.
Sau can thiệp, bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1, sức khỏe ổn định và được chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và tiếp tục điều trị. Đến ngày 8-7, bệnh nhân đã cải thiện cơ tay và chân trái.
Bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết nam bệnh nhân bị nhồi máu não nhưng được đưa đến bệnh viện khá muộn, sau 5 giờ xuất hiện triệu chứng, may mắn bệnh nhân được can thiệp thành công.
Đột quỵ có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não, trong đó nhồi máu não chiếm tỉ lệ 80-85% số ca đột quỵ. Thời gian "vàng" để can thiệp tái thông mạch do nhồi máu não là trong 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu.
Đột qụy não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn tật.
Các bác sĩ cho biết hiện nay, mặc dù số người tử vong đã giảm xuống nhưng tỉ lệ tàn tật do đột quỵ vẫn rất cao, trong đó nguyên nhân có thể làm chậm trễ thời gian điều trị là do bệnh nhân không được phát hiện kịp thời. Hoặc nếu phát hiện nhiều người cho rằng bệnh nhân bị trúng gió và sử dụng các phương pháp bôi dầu, cạo gió... dẫn đến chậm trễ thời gian điều trị.