Mẹ đơn thân chết lặng khi phát hiện mắc ung thư, vực dậy nhờ 'động lực duy nhất'

Bà mẹ đơn thân phát hiện mắc ung thư cách đây hơn 1 năm. Khi đó, người thân tưởng chị chỉ sống được thêm vài tháng...

Mẹ đơn thân gồng gánh kinh tế, bệnh tật

Mới đây, bà mẹ đơn thân 2 con Nguyễn Thị Thu Hường (quê Phú Thọ) cầm trên tay kết quả ghi "u phổi đã biến mất, hạch di căn ở cổ vẫn 'an toàn'". Chị cười hạnh phúc với tin vui này. Chị bảo: "Ít ra có hy vọng kéo dài sự sống".

Còn nhớ hơn 1 năm trước, sau một lần đi tiễn một người thân mất, chị Hường xuất hiện những cơn ho liên tục và dữ dội. Hơn 1 tuần thấy bệnh không đỡ, chị Hường đi khám tai mũi họng. Chị được chỉ định chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện một nốt ở phổi. Sau đó, chị được xét nghiệm lao và cho kết quả âm tính. Tiếp đó, chị được chỉ định chụp CT và kết quả cho thấy chị mắc ung thư phổi di căn hạch cổ giai đoạn 3b.

Cầm kết quả trên tay, chị Hường như chết lặng, nghĩ về tương lai, về công việc và nhất là 2 đứa con còn quá nhỏ của mình. Chị sốc và buồn. Buồn hơn cả là khi biết tin, người nhà cũng nghĩ chị không thể qua khỏi. Họ nghĩ điều trị tốn kém, cuối cùng có thể 'mất người mất tiền'. Bạn bè sợ chị không qua khỏi nên không ai cho chị vay tiền.

Mẹ đơn thân chết lặng khi phát hiện mắc ung thư, vực dậy nhờ động lực duy nhất - Ảnh 1.

Một người thân của chị Hường cũng mắc ung thư phổi và đã mất, chính vì thế khi người thân nghe tin chị mắc bệnh cũng nghĩ rằng chị không thể sống lâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi có kết quả, chị Hường được bác sĩ đưa ra 2 phương pháp - truyền hóa chất hoặc uống thuốc nhắm trúng đích. Chị Hường quyết định sử dụng phương pháp dùng thuốc nhắm trúng đích.

"Trước đó tôi được chỉ định xét nghiệm đột biến gen, nhưng tôi không có đột biến gen nên mọi chi phí sử dụng thuốc phải trả 100%, tương đương 20 triệu/tháng. Lương giáo viên của tôi chỉ đủ sinh hoạt phí hằng ngày cho 3 mẹ con. Áp lực kinh tế, tinh thần, bệnh tật cứ quẩn quanh trong đầu tôi lúc đó", chị tâm sự.

Xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi có vai trò trong tiên lượng bệnh, lựa chọn điều trị nhắm trúng đích.

BS Nguyễn Trần Anh Thư, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết đối với những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn có đột biến EGFR, nhiều nghiên cứu đã chứng thuốc nhắm trúng đích có hiệu quả điều trị hơn hẳn hóa trị, giúp cải thiện chất lượng sống và thời gian sống.

Phương pháp điều trị nhắm trúng đích chủ yếu là sử dụng thuốc uống. Các đột biến gen chỉ xảy ra trong các tế bào ung thư, do đó, điều trị đích là phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn các phương pháp điều trị truyền thống (hóa trị, xạ trị). Thuốc chỉ ảnh hưởng lên các tế bào ác tính mà không phá hủy các tế bào lành. Một số liệu pháp nhắm trúng đích có thể ngăn chặn quá trình hình thành mạch máu, một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư.

Động lực duy nhất

Động lực duy nhất giúp chị Hường chiến đấu cùng bệnh là tương lai của 2 con phía trước. Chị nói: "Chỉ mong sống được thêm vài năm, con cái lớn hơn một chút nhắm mắt cũng yên lòng, nên tôi sẽ cố gắng vì con, vì chính mình".

Hành trình điều trị bệnh của chị Hường cũng bắt đầu từ đó, sáng đi dạy, uống thuốc đúng giờ, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, ăn uống hợp lý.

Sau thời gian sử dụng thuốc, chị đi kiểm tra thì u phổi đã không còn, hạch ở cổ vẫn ở trạng thái an toàn. Tuy nhiên, gồng gánh chi phí mua thuốc được hơn 1 năm, kinh tế của chị cũng cạn kiệt. Chị đành tặc lưỡi mua thuốc đích rẻ hơn qua một người giới thiệu. Sau một tháng chị tái khám, kết quả vẫn ổn. "Bác sĩ đứng dậy bắt tay chúc mừng tôi và nói chưa gặp một bệnh nhân nào không có biến đổi gen mà lại tự đổi 2 loại thuốc đích mà vẫn đáp ứng thuốc ổn định như tôi", chị Hường chia sẻ.

"Ai cũng bảo ung thư phổi vài tháng là chết, nhưng tôi vẫn đáp ứng thuốc dù không có biến đổi gen", chị Hường chia sẻ.

Mẹ đơn thân chết lặng khi phát hiện mắc ung thư, vực dậy nhờ động lực duy nhất - Ảnh 2.

Quan điểm sống của chị Hường là lạc quan mới vượt qua được bệnh tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị cũng tâm sự vì lực bất tòng tâm, một mình gồng gánh mọi thứ nên cực chẳng đã chị mới phải lựa chọn thuốc đích rẻ hơn. Chị hy vọng mọi chuyện sẽ theo chiều hướng tích cực.

"Kết quả hiện tại vẫn ổn nên tạm thời tôi được thoải mái tinh thần, lại được sống thêm, lại lạc quan yêu đời, yêu bản thân, lại mang váy, mang áo dài ra mặc. Tôi bảo con chụp ảnh làm kỷ niệm rồi lại cất váy, áo đi vào giường nằm. Ngẫm lại mọi thứ, tủm tỉm cười, lại xinh, lại khỏe rồi", chị khoe.