Bơm xe, dạy thêm để có tiền đi học
Sinh ra và lớn lên tại vùng đồng ruộng Đồng Tháp Mười, cậu bé Nguyễn Văn Tiến chưa từng nghĩ tới chuyện trở thành bác sĩ vì gia đình quá nghèo. Bước ngoặt cuộc đời xảy ra vào năm Tiến học lớp 11. Ông còn nhớ như in năm đó dịch sốt xuất huyết lan tràn vùng quê của ông. Em trai đang học lớp 9 và cháu con anh thứ 2 đang học lớp 5 không thể qua khỏi. Hai đám tang chỉ cách nhau vài ba ngày khiến ông không thể chịu nổi và bật lên suy nghĩ: Tại sao lại để những người thân của mình phải chết mà không có cách cứu chữa?
Từ đó ông quyết tâm chuyển hướng ôn thi vào ngành y. Ông là một trong những học sinh hiếm hoi của tỉnh thi đậu Đại học Y dược TP.HCM năm đó.
BS Tiến kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau mổ. (ảnh Bạch Dương)
6 năm học y, không thể kể hết những khó khăn, vất vả mà ông đã phải trải qua. Nhà quá nghèo không thể chu cấp tiền, chỉ có thể gửi gạo hàng tháng, ông đã đi bơm xe đạp, vá xe, đi dạy thêm vào cuối tuần, vào lúc rảnh rỗi để có thêm chi phí phụ vào số tiền học bổng ít ỏi. Ra trường, may mắn ông được tuyển dụng vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và gắn bó với khoa Ngoại 1 suốt từ đó cho đến bây giờ. Ông chia sẻ: “Tất cả việc chúng ta làm đều là cơ duyên của cuộc đời ban tặng; việc đó tốt hay xấu đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Với tôi, chọn gắn bó với những bệnh nhân ung thư khó khăn đem lại cho tôi nhiều cơ hội để trả ơn đời”.
“Cô bé ễnh ương” và ba Tiến
Đây có lẽ là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh. Với vóc dáng của một đứa bé 10 tuổi mang trên người khối bướu trên 50kg, không ai nghĩ rằng đây là sự thật. Bệnh nhân như con ễnh ương, chỉ thấy cái bụng không kể cả lúc đứng”. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến |
Sau khi khoa Ngoại được chia tách, ông được chuyển về khoa Ngoại 1, nơi điều trị cho tất cả chị em bị ung bướu liên quan đến phụ khoa. Khó có thể kể hết những ca bệnh hiểm nghèo đã từng qua bàn tay ông chữa trị, có 2 ca mà đến giờ ông nhớ nhất, đó là người phụ nữ mang khối u 40kg và “cô bé ễnh ương” vác cái bụng nặng hơn 50kg chứa đầy dịch.
Bác sĩ Tiến vẫn còn nhớ người phụ nữ 49 tuổi ở Long An nặng 90kg nhưng phải mang cái bụng đến 40kg trong suốt gần chục năm. Do khối u chèn ép nên chị luôn khó thở, mệt mỏi, đau đớn, tay chân bủn rủn, hai tay chỉ còn da bọc xương, hai chân bị phù to, cứng ngắc, không đi lại được.
Gia đình quá nghèo nên chị không dám đi khám, không dám chữa bệnh, chỉ đến khi cái bụng quá lớn không thể đi lại được nữa mới gom tiền để vào viện.
Khi nhập viện, bệnh nhân thể trạng gầy yếu, vòng bụng đo được 133cm, chiều dài bụng 83cm khi khám lâm sàng cho bệnh nhân, các bác sĩ thấy bướu ổ bụng rất to, lan từ hạ vị lên đến thượng vị. Sau khi làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Tiến và kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật lấy ra khối bướu nặng 40kg, có kích thước 60cm x 80cm x 100cm (vỏ bướu nặng 2 kg, lòng bướu chứa 35 lít dịch và 3 lít máu).
Có một ca khác cũng khiến bác sĩ Tiến nhớ mãi tới tận giờ. Bởi sau ca này, bác sĩ Tiến có thêm một “đứa con” mà ông trìu mến gọi là “cô bé ễnh ương”. 19 tuổi nhưng Diễm gầy gò, khẳng khiu, vóc dáng chỉ như đứa trẻ lên 10 với cái bụng bướu nặng đến 50kg. Diễm bị bệnh tràn dịch dưỡng chấp bẩm sinh, đây là ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận.
Tôi may mắn vì bà xã dù không làm việc trong ngành y nhưng luôn hiểu; tin tưởng, động viên và là hậu phương vững chắc để tôi được thực hiện tất cả những điều mình từng ấp ủ. Tại bệnh viện, tôi có những đồng nghiệp vô cùng đoàn kết và tận tâm; giúp tôi có cơ hội cống hiến và tậm tâm với công việc điều trị ung thư. Đó cũng là cách để tôi trả ơn cuộc đời”. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến |
Từ lúc mới sinh ra, bụng em đã to và ngày càng lớn dần. Sau đó, tay và chân trái của Diễm cũng phù to. 4 tuổi, mọi sinh hoạt hàng ngày của Diễm rất khó khăn do vòng bụng ngày một lớn. Gia đình đã đưa em đi khám nhiều nơi nhưng các bệnh viện đều kết luận Diễm mắc bệnh bẩm sinh không thể chữa khỏi. Vì chiếc bụng quá lớn, người lại gầy nên khi di chuyển, chỉ cần vấp phải viên đá nhỏ cũng khiến em ngã. Năm học lớp 4, không đành lòng để cha đưa đi học, Diễm quyết định tự đạp xe đến trường. Em yếu nên bị ngã xe, gãy tay hơn 6 lần. Suốt 18 năm, Diễm phải ngồi sấp, hai tay ôm thành giường để ngủ. Học hết lớp 9, nhà quá nghèo nên Diễm nghỉ học, đi bán vé số với quyết tâm gom góp tiền chữa bệnh.
Sau khi hội chẩn toàn viện, hội chẩn liên viện và gửi email thông tin bệnh nhân cho các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để tham khảo ý kiến, các bác sĩ quyết định hút dần dịch để bệnh nhân đảm bảo đủ sức khỏe chịu đựng ca mổ.
“Tôi chưa bao giờ lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên như ca bệnh này. Vì bệnh nhân không mắc ung thư, hình ảnh siêu âm chỉ thấy một vùng trắng xóa toàn nước, ca mổ có quá nhiều nguy cơ. Gia đình tin tưởng, bệnh viện giao phó nhiệm vụ, chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình để cứu cô bé”- bác sĩ Tiến tâm sự.
Sau 10 ngày hút hơn 20 lít dịch, bác sĩ Tiến cùng ê-kíp đã phẫu thuật để lấy hết 20 lít dịch còn lại cho bệnh nhân.
“Do bụng bệnh nhân quá lớn không thể gây mê, các bác sĩ phải tiến hành gây tê, tức là mổ sống, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo trong lúc mổ. May mắn, nhờ hút dịch trước đó cùng với đường rạch rất nhỏ, rút dịch từ từ, ca mổ diễn ra rất thuận lợi”- bác sĩ Tiến nói. Theo ông, đây là ca bệnh tràn dịch dưỡng chấp bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận, trên thế giới cũng chỉ có một vài ca.
Bác sĩ Tiến hạnh phúc nhớ lại: “Mổ xong, con bé như được hồi sinh, nó đòi gọi tôi là “ba Tiến”.
Năn nỉ bệnh nhân ở lại chữa bệnh
Suốt gần 30 năm trong nghề, chưa từng một lần mở phòng mạch tư hay đi khám ngoài, toàn bộ tâm huyết của bác sĩ Tiến đều dồn hết vào khoa Ngoại 1. Ông chia sẻ: “Trước đây các ca ung thư, u phần phụ thường phải cắt hết buồng trứng, tử cung, có nhiều người rất trẻ cũng phải cắt. Vì thế, chúng tôi cố gắng tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp để làm sao mổ càng ít xâm lấn, càng giữ được chức năng làm vợ, làm mẹ cho bệnh nhân là tốt nhất. Rất mừng là nhiều bệnh nhân của chúng tôi đã được chữa khỏi, lấy chồng, sinh con”.
Ông cũng tự nhận mình là “bác sĩ liều” đến những đau đáu vì bệnh nhân nghèo.
“Những ca u khủng, những ca hiểm nghèo tìm đến với chúng tôi đa phần là người nghèo, người khổ. Họ đâu có tiền, chữa xong tụi tôi lại tìm cách xin tiền, trợ giúp cho họ. Có những ca bệnh nặng, nhà nghèo cứ nằng nặc đòi về chờ chết, tôi phải năn nỉ hết cách để họ ở lại chữa bệnh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, để họ về rồi họ đi chữa lung tung không đúng, bệnh nặng hơn thì tội cho họ lắm”- ông kể.
Từ những suy nghĩ đó, ông thành lập các hội nhóm từ thiện, quyên góp cho bệnh nhân nghèo. Thay vì trao vài trăm nghìn cho từng bệnh nhân, các hội nhóm của ông đóng tiền tạm ứng viện phí cho các bệnh nhân nghèo; hỗ trợ xe máy cho nhân viên y tế thực hiện chăm sóc giảm nhẹ tại nhà cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Lớn hơn nữa là xây nhà tình thương, xây cầu cho các vùng sâu vùng xa.
Không chỉ đầu tư công sức, tìm tòi nghiên cứu các ca bệnh mới, bác sĩ Tiến còn gây dựng trang thông tin về bệnh lý phụ khoa, u bướu phụ khoa trên mạng xã hội.
Ông chia sẻ: “Tôi thấy người dân mình còn biết được ít thông tin quá, trong khi mạng xã hội thì phát triển, tại sao mình không tận dụng để người dân có cơ hội hiểu biết hơn về bệnh tật? Lúc đầu tôi chỉ đăng những thông tin cơ bản, đơn giản về bệnh với hy vọng người ta lướt qua đọc được. Không ngờ được nhiều người quan tâm quá, từ đó tôi và các anh em trong khoa đầu tư nhiều hơn, có thêm những bài viết chuyên sâu hơn”.