Ngủ quá nhiều gây hại sức khỏe thế nào?

Ngủ đủ giấc mỗi ngày là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe nhận thức, sinh lý và thể chất. Chính vì vậy mà ngủ quá nhiều hay quá ít đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sức khỏe.

Tùy thuộc vào độ tuổi, môi trường sống sẽ có số giờ ngủ tương ứng. Tuy nhiên, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo người trưởng thành, từ 18-64 tuổi, ngủ 7-9 giờ mỗi ngày là bình thường. Ngủ ít hơn 6 giờ/ngày là ngủ ít và hơn 9 giờ/ngày là ngủ nhiều.

Ngủ quá nhiều ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Ngủ quá nhiều và chứng mất trí nhớ

Trong một nghiên cứu dựa trên dân số được thực hiện ở Tây Ban Nha, thời gian ngủ kéo dài, ngủ quá nhiều được phát hiện có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Theo đó, thông tin cơ bản về thời gian ngủ của hơn 3 nghìn người tham gia đã được thu thập trong nghiên cứu; thời gian theo dõi trung bình là 3,2 năm, trong đó có 140 trường hợp mắc chứng mất trí nhớ được xác định.

Tác động tới sức khỏe tâm thần

Trong một nghiên cứu tại Anh cho biết, những người ngủ nhiều (trên 8 giờ/ngày) xuất hiện nhiều triệu chứng trầm cảm hơn so với những người có giấc ngủ bình thường. Phát hiện này đã được lặp lại qua một số cuộc khảo sát và phân tích tổng hợp cho thấy tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở những người ngủ quá nhiều so với những người ngủ đủ giờ bình thường.

Gần đây hơn, một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ giữa thời gian ngủ quá nhiều và tình trạng trầm cảm/lo lắng mạn tính.

Ngủ quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Ngủ quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Ngủ quá nhiều và viêm

Protein phản ứng C (CRP) là một dấu hiệu của tình trạng viêm mạn tính. Dấu ấn sinh học này có liên quan đến thời lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng minh rằng CRP tăng cao được tìm thấy trong những trường hợp có thời gian ngủ quá nhiều.CRP có liên quan đến ngủ quá nhiều.

CRP có liên quan đến ngủ quá nhiều.

Ngủ quá nhiều và béo phì

Mặc dù chưa xác định chắc chắn mối liên hệ giữa béo phì và ngủ quá nhiều nhưng một phân tích hơn 56 nghìn người tham gia Khảo sát Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã tìm thấy mối liên quan giữa giấc ngủ dài (> 8 giờ) và béo phì, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch và tăng huyết áp.

Nguy cơ gây bệnh tim

Dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Mỹ (NAHNES) chứng minh thời gian ngủ là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cho thấy cả giấc ngủ ngắn và giấc ngủ dài đều gây nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn. Những người tham gia ngủ trên 8 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị đau thắt ngực cao gấp đôi và nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 10% so với người có giấc ngủ bình thường.

Hơn nữa, một phân tích khác tại Mỹ cho biết, tỷ lệ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ tại tim, nguy cơ ung thư, đột quỵ… đều thấp nhất ở những người ngủ 7 hoặc 8 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên với người ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều đều có nguy cơ tăng cao. Cụ thể, nam giới ngủ 6 giờ hoặc ít hơn, hoặc 9 giờ trở lên, có tổng tỷ lệ tử vong theo độ tuổi cao gấp 1,7 lần so với nam giới ngủ 7 hoặc 8 giờ mỗi đêm; đối với phụ nữ, con số này là 1,6.

Bên cạnh đó, ngủ quá nhiều còn làm suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ tử vong ở người trưởng thành.

Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Khắc phục tình trạng ngủ quá nhiều bằng cách nào?

Ngủ quá nhiều hay còn được gọi là ngủ lâu hoặc chứng ngủ lịm, ảnh hưởng đến 2% dân số thế giới. Với những trường hợp này thường cần ngủ từ 10-12 giờ mỗi đêm mới cảm thấy đủ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như thường xuyên thức dậy vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ hay những tác động từ cuộc sống khiến nhiều người không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Lâu dần tạo ra cảm giác mệt mỏi quá mức và khi có thời gian nghỉ ngơi, họ có thể ngủ nhiều nhất tới 15 giờ mỗi lần.

Ngoài ra, hiện tượng ngủ quá nhiều còn có thể liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, các vấn đề về tuyến giáp, bệnh lý giấc ngủ, căng thẳng phiền muộn hay bệnh tim…

Do đó, với các trường hợp ngủ quá nhiều trên 6 tuần cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cụ thể. Tuy nhiên, cùng với quá trình điều trị, bạn có thể thực hiện một số biện pháp bổ trợ để đảm bảo giấc ngủ diễn ra bình thường. Cụ thể:

- Đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định.

- Không sử dụng thiết bị điện tử 2-3 giờ trước khi đi ngủ.

- Giữ phòng ngủ ấm, thoáng khí, ánh sáng phù hợp…

- Tập luyện nhẹ nhàng trước khi ngủ.

- Không sử dụng đồ uống chứa caffein trước khi ngủ…

Mối quan hệ giữa thời gian ngủ và tỷ lệ tử vong, suy giảm nhận thức, béo phì, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch… có hình chữ U. Hiện tượng hình chữ U chứng tỏ rằng ngủ quá ít và ngủ quá nhiều (trên 9 giờ/ngày) có liên quan đến nhiều hệ quả sức khỏe kém và tác động này mang tính tích lũy.