Gần đây, bác sĩ điều trị Liu Yueyu của Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã liên tục điều trị cho nhiều bệnh nhân bị điếc đột ngột trong một ngày tại phòng khám ngoại trú. Anh Fu là một trong số đó.
Anh Fu, 30 tuổi, chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mình đột nhiên bị mất thính giác lúc tỉnh dậy vào buổi sáng. Khi vội vã đến Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy có vài người cũng bị điếc đột ngột giống như mình trong lúc chờ đợi đến lượt điều trị.
Anh vốn là giám đốc kinh doanh của một công ty bảo hiểm, để đạt được các chỉ tiêu về hiệu suất công việc, anh đã lao vào làm việc nhiều ngày liền, làm thêm giờ, thức khuya, dậy sớm và quá tải công việc. "Công việc rất bận rộn, tôi luôn trong tình trạng khô miệng và ngủ thiếp ngay khi về đến nhà. Đó không phải là điều mà người bình thường có thể làm được".
Ảnh minh họa.
Vào một đêm khuya cách đây hơn 10 ngày, sau khi đi làm thêm về, anh Fu bất ngờ bị ù tai, nặng tai bên tai phải, cả người như quay cuồng, kèm theo buồn nôn và nôn mửa, anh nghĩ là do mệt mỏi quá độ nên đi nghỉ ngơi như bình thường. Không ngờ, sáng hôm sau ngủ dậy vẫn còn rất chóng mặt, nghe điện thoại thì thấy tai phải không nghe được gì nên anh vội vàng đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra cộng hưởng từ sọ não để loại trừ xuất huyết não và đột quỵ, anh được chẩn đoán bị điếc đột ngột. "Sau một thời gian dùng thuốc và điều trị bằng buồng oxy hyperbaric, các triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể nhưng thính lực vẫn chưa hoàn toàn trở lại bình thường, giai đoạn sau cần phải điều trị củng cố", bác sĩ Liu Yueyu chia sẻ về ca bệnh của anh Fu. Để đạt được hiệu quả thì phải tuân thủ điều trị, cần kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Xiao Jia được chẩn đoán bị điếc đột ngột do áp lực học tập lớn.
Thật trùng hợp, Xiao Jia, một học sinh trung học cũng gặp rắc rối tương tự anh Fu. Càng về cuối học kỳ, em càng phải làm bài tập nhiều hơn, áp lực học tập nặng nề, phải thường học đến đầu giờ sáng, sau khi đi ngủ em liên tục trằn trọc, khó ngủ. Đến một ngày, tai phải của Xiao Jia đột nhiên bị giảm và có tiếng ù liên tục khi đeo tai nghe vào để luyện nghe tiếng Anh. Sau khi khám, cậu bé cũng được chẩn đoán là bị điếc đột ngột, sau khi điều trị kịp thời, thính lực của Xiao Jia cuối cùng cũng trở lại bình thường.
Tham công tiếc việc gây điếc đột ngột
Theo bác sĩ Su Lizhong, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện, điếc đột ngột là tình trạng mất thính giác thần kinh giác quan xảy ra đột ngột và không rõ nguyên nhân.
Điếc đột ngột có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là độ tuổi từ 40-60 và thường chỉ xuất hiện tình trạng điếc 1 bên tai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, độ tuổi khởi phát bệnh chuyển dần sang tuổi trẻ hơn, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng, phần lớn là do nhịp sống gấp gáp, áp lực cao, thức khuya, mệt mỏi quá độ đã làm tăng tỷ lệ mắc bệnh điếc đột ngột. Vì vậy, đừng tham công tiếc việc, tiền nhiều để làm gì, hãy làm việc và học tập kết hợp nghỉ ngơi hợp lý để tránh tình trạng mệt mỏi, căng thẳng quá mức, trước áp lực cần chú ý điều chỉnh cảm xúc và giữ ấm.
Để phòng tránh bị điếc đột ngột, mọi người cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh làm việc quá sức và thay đổi tâm trạng nghiêm trọng.
- Cải thiện thói quen nghe không tốt, giữ môi trường yên tĩnh và tránh kích thích tiếng ồn.
- Cần chủ động kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu khi có các bệnh cơ bản như tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Khi thấy rõ các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn thì có thể nghe theo lời bác sĩ để dùng thuốc điều trị triệu chứng.
Tình trạng điếc có thể diễn ra trong vòng 1 ngày hoặc mất thính lực dần dần trong vài ngày.
Người bị điếc đột ngột thường thức dậy vào buổi sáng và đột nhiên thấy mình không nghe được. Khi mới khởi phát, hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy mất thính lực đột ngột ở một bên tai, một số ít bệnh nhân bị giảm thính lực cùng lúc. Ngoài ra, nó còn có thể kèm theo một hoặc một số triệu chứng như sưng tai, chóng mặt, ù tai…
"Khi phát hiện bị giảm thính lực, bạn phải đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, muộn nhất trong vòng 10 ngày. Những người được điều trị tích cực trong vòng 2 tuần sau khi phát bệnh có hiệu quả tốt hơn đáng kể so với những người đi khám sau 2 tuần, và tiên lượng xấu hơn nếu thời gian khởi phát kéo dài hơn 30 ngày".
Nguồn và ảnh: Kknews, Healthline, BV ĐKQT Vinmec