38 tuổi mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối vì 3 thói quen phổ biến
Anh Trương (38 tuổi ở Hàng Châu, Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Qua chia sẻ của anh Trương, 2 tháng trước, anh thường xuyên bị đau bụng dai dẳng và chướng bụng sau khi ăn. Tuy nhiên, lúc đó anh Trương chỉ nghĩ đó là chứng khó tiêu nên không để ý. Một tháng sau, người nhà phát hiện da và mắt của anh Trương hơi vàng, đồng thời anh cũng bị sút cân rất nhiều nên gia đình đã đề nghị anh đến bệnh viện để kiểm tra.
Anh Trương đến Bệnh viện Tây Khê ở Hàng Châu để khám và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, khối u di căn gan và gây vàng da, tắc mật.
Khi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy, anh Trương và gia đình vô cùng bất ngờ. Anh nói: "Tôi thường xuyên tập thể dục, cách đây 3 tháng tôi vẫn còn khỏe mạnh và tham gia một cuộc thi chạy marathon. Giờ đây, tôi không thể tin mình lại được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy".
Bác sĩ Dư Cát Tiên, Trưởng Khoa Ung bướu của bệnh viện Tây Khê giải thích rằng ung thư tuyến tụy thường khởi phát rất âm thầm, về cơ bản người bệnh rất khó phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, đa phần bệnh nhân đều phát hiện khối u khi đã ở giai đoạn cuối, cơ thể xuất hiện các triệu chứng rõ ràng.
Khi thăm khám kỹ hơn, các bác sĩ nhận thấy anh Trương có thói quen hút thuốc lá lâu năm, thường xuyên thức khuya, ăn các món ăn nhiều dầu mỡ dẫn đến thừa cân béo phì. Bác sĩ cho rằng 3 thói quen sinh hoạt kém lành mạnh này là nguyên nhân góp phần khiến anh Trương mắc ung thư tuyến tụy. Bác sĩ Dư cho biết bệnh nhân Trương đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân Trương. (Ảnh: Sohu)
Ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là một cơ quan nằm ở vùng bụng, có hai chức năng chính là tiết ra các loại enzyme thúc đẩy quá trình tiêu hóa và sản xuất insulin giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bác sĩ Dư cho biết ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư đáng sợ nhất bởi bệnh có tỷ lệ sống sót cực kỳ thấp. Ngoài ra, bệnh thường khởi phát trong âm thầm, khi được phát hiện thì bệnh thường đã ở giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư tuyến tụy chỉ đứng thứ 14 về tỉ lệ mắc (458.918 ca mắc/năm). Tuy nhiên ung thư tuyến tụy lại đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư (432.242 ca tử vong/năm). Ung thư tuyến tụy được coi là loại ung thư có tiên lượng xấu nhất.
Tại Việt Nam, tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có gần 1.000 người mắc mới ung thư tuyến tụy và gần 900 người chết vì bệnh này.
Ung thư tuyến tụy. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, các thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Thói quen hút thuốc lá.
- Lạm dụng rượu bia.
- Chế độ ăn uống kém lạnh mạnh, giàu chất béo, lười vận động gây thừa cân, béo phì.
- Gia đình có người mắc ung thư tuyến tụy.
- Bệnh nhân mắc viêm tụy mạn tính.
- Tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng.
Ở giai đoạn đầu, người mắc ung thư tuyến tụy hầu như không có bất cứ biểu hiện nào. Chỉ khi khối u phát triển đến một mức độ nhất định thì cơ thể người bệnh mới xuất hiện một số triệu chứng điển hình.
Lạm dụng thuốc lá, rượu bia là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tụy. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến tụy
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp ở ung thư tuyến tụy. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy đều có biểu hiện khó chịu ở vùng bụng trên hoặc đau âm ỉ, đau tức bụng, cơn đau có thể trầm trọng hơn sau khi ăn. Ở giai đoạn giữa và cuối, các khối u xâm lấn vào đám rối thần kinh thân tạng và có thể gây đau bụng dữ dội kéo dài.
- Sụt cân và mệt mỏi: Khoảng 80-90% bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy bị sụt cân, mệt mỏi.
- Các vấn đề tiêu hóa: Khi khối u phát triển gây tắc nghẽn ống mật và ống tụy, dịch mật và dịch tụy không thể vào tá tràng, từ đó dẫn đến tình trạng khó tiêu hoặc tiêu chảy. Ở giai đoạn muộn, khối u xâm lấn vào tá tràng có thể gây tắc nghẽn hoặc chảy máu đường tiêu hóa.
- Vàng da: Ung thư đầu tụy phát triển có thể chèn ép và xâm lấn vào ống mật chủ, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của mật, dẫn đến ứ mật và gây ra tình trạng vàng da, vàng củng mạc, thay đổi màu sắc nước tiểu,... Các bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy sẽ bị vàng da và ngứa da ở các mức độ khác nhau.
- Các triệu chứng khác: Một số bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ kéo dài hoặc sốt từng cơn. Một số trường hợp khác có thể gặp tình trạng lượng đường trong máu thay đổi bất thường.
Sụt cân bất thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy. (Ảnh minh họa)
Phòng ngừa ung thư tuyến tụy thế nào?
Bác sĩ Dư cho biết, để phòng ngừa ung thư tuyến tụy, mọi người nên duy trì một số thói quen lành mạnh như:
- Hạn chế ăn nhiều các thực phẩm giàu chất béo, giàu protein hoặc nhiều đường trong thời gian dài.
- Tăng cường ăn các loại rau, củ, quả tươi, bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho sức khỏe thay cho ngũ cốc tinh chế trong chế độ ăn hàng ngày.
- Ngừng hút thuốc và uống rượu.
- Tích cực phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến ung thư tuyến tụy như viêm tụy mạn tính, viêm túi mật, sỏi túi mật, tiểu đường,...
- Đi khám sức khỏe định kỳ.
- Tăng cường hoạt động thể chất, nâng cao thể lực, phòng tránh thừa cân, béo phì.
Cuối cùng, bác sĩ Dư khuyến cáo khi mọi người thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong cơ thể, hãy đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).