Người đàn ông bị bỏng nặng sau khi lau người bằng cồn để chống virus Corona

Việc khử trùng tay chân là điều cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, mọi người cũng cần chú ý khi sử dụng cồn để sát khuẩn, tránh rơi vào trường hợp đáng tiếc như người đàn ông này.

Tiểu Trương (37 tuổi) là nhân viên của một nhà máy sợi polyester ở Hàng Châu, Trung Quốc. Mặc dù nhà máy này gần đây đóng cửa do sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, nhưng anh vẫn đến nhà máy mỗi ngày để sửa chữa và bảo trì máy móc.

Người đàn ông bị bỏng nặng sau khi lau người bằng cồn để chống virus Corona - 1

Sáng ngày 8/2, theo thông lệ, Tiểu Trương lau mặt, cổ, tay chân bằng cồn để khử trùng da trước khi vào bên trong nhà máy. Thế nhưng lần này cồn nhanh chóng bén lửa do hơi nóng của lò sưởi gần đó. Ngọn lửa đốt cháy nhiều vùng da, khiến anh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng.

Người đàn ông bị bỏng nặng sau khi lau người bằng cồn để chống virus Corona - 2

Theo chẩn đoán của bác sĩ, 15% toàn bộ cơ thể của Tiểu Trương bị bỏng nặng, trong đó vùng cổ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đường hô hấp cũng bị bỏng. Các bác sĩ khẩn trương tiến hành phẫu thuật mở khí quản và đặt ống thông khí cho anh.

Bác sĩ cho biết nếu không khẩn cấp phẫu thuật, các triệu chứng nôn mửa có thể xảy ra trong vòng 24 tiếng. Ngoài ra, vùng tay của anh cũng bị cháy xém, bác sĩ cũng đã tiến hành ghép da khu vực này.

Người đàn ông bị bỏng nặng sau khi lau người bằng cồn để chống virus Corona - 3

Trong khi vùng cổ bỏng cấp độ 2 thì tay của Tiểu Trương bỏng cấp độ 3. Tình trạng rất nghiêm trọng, chức năng của các khu vực bị bỏng có thể bị ảnh hưởng rất lớn, việc điều trị phục hồi sau phẫu thuật là điều cần thiết.

Bác sĩ cảnh báo rượu hay cồn rất dễ cháy và bắt lửa, do đó chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ để khử trùng. Nếu sử dụng cồn để khử trùng trên quy mô lớn, cần phải tránh những nơi dễ phát sinh lửa hoặc đợi đến khi cồn bay hơi hết thì mới sử dụng các thiết bị hoặc bật nguồn điện.