Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đang diễn ra ở nhiều địa phương. Tính đến 14h ngày 24/8, số lượng vaccine được tiêm cho người dân trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 là 17.681.834 liều. Trong đó, TP.HCM từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 20/8 đã tiêm được 5.291.971 người, trong đó có 177.018 người đã tiêm 2 mũi.
Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 này, nhiều người thắc mắc và lo lắng việc bản thân chỉ cần tiêm một mũi vaccine thì có sao không? Và nếu tiêm chậm hơn so với quy định thì có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Về việc này, PV có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). Theo ông Phu, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, hầu hết các loại vaccine COVID-19 hiện nay cần được tiêm hai liều cách nhau vài tuần.
Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, nhưng liều thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó, giúp bảo vệ chúng ta mạnh hơn, kéo dài hơn. Vì vậy, mọi người nên tiêm liều thứ hai theo đúng lịch trình khuyến cáo.
Mỗi loại vaccine có cách sử dụng khác nhau, có vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi, nhưng cũng có vaccine cần tiêm 2-3 mũi để đạt được miễn dịch tốt nhất. Vaccine COVID-19 cũng tương tự như vậy.
PGS. TS Trần Đắc Phu
PGS Phu phân tích tại Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine COVID-19 và thời gian tiêm của mỗi loại cũng khác nhau, có loại thì mũi 1 cách mũi 2 khoảng 3-4 tuần, có loại cách 8-12 tuần.
"Quy định khoảng cách thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 là thời gian tối thiểu và tối đa mọi người nên đi tiêm mũi 2", PGS Phu nói. Ví dụ, khuyến cáo của AstraZeneca là nên tiêm liều thứ 2 sau 8 - 12 tuần, như vậy 8 tuần là thời gian tối thiểu, 12 tuần là thời gian tối đa.
"Những khuyến cáo mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine. Còn trong tình trạng thiếu vaccine, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine", PGS Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng theo ông Phu, việc tiêm vaccine chậm hơn so với khuyến cáo đã từng xảy ra với nhiều loại vaccine khác ở trẻ nhỏ.
"Trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 không dồi dào, người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Khi bạn đã tiêm vaccine phòng COVID-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều, có thể lên tới 90%", PGS Phu cho hay.
Mặc dù vậy, ông Phu khuyến cáo, người dân dù tiêm chưa đủ hay đủ cũng cần thực hiện quy định 5K để đảm bảo an toàn. Lý do là khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 sang người khác sau khi tiêm vẫn tồn tại.
Tại Việt Nam, hiện có 5 loại vaccine COVID-19 đang được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Nhà sản xuất các loại vaccine này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi.
Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể: Vaccine AstraZeneca: từ 8 - 12 tuần; vaccine Sputnik V: 3 tuần; vaccine Pfizer: 3 tuần; vaccine Sinopharm: 3-4 tuần và vaccine Moderna là 28 ngày.