Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ đón Tết Nguyên Đán 2023, để cả gia đình khỏe mạnh trong những ngày Tết sắp đến, ngoài việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bởi nếu không thì chúng ta sẽ có thể bị rối loạn tiêu hoá hoặc thậm chí là ngộ độc trong dịp Tết, khiến Tết mất vui.
Theo đó, mỗi dịp Tết đến xuân về, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu thường có xu hướng tăng cao. Ngộ độc thực phẩm còn được gọi là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn hay uống phải các thực phẩm bị ô nhiễm các chất độc hại với sức khỏe con người.
Vì vậy, dưới đây là một vài lưu ý cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình đón một mùa Tết vui vẻ, không bệnh tật.
Ảnh minh hoạ.
Lựa chọn thực phẩm kỹ càng
Khi đi sắm Tết, hãy chú trọng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm còn hạn sử dụng. Đối với các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá,... cần lựa chọn các loại còn tươi mới không bị dập nát hoặc có mùi lạ. Đặc biệt, mọi người cần tránh mua các sản phẩm sau:
- Thực phẩm đựng trong lon hoặc thùng bị móp méo hoặc bị thủng, rách.
- Thực phẩm ướp lạnh hoặc đông lạnh nhưng đã bị bỏ ra khỏi tủ lạnh hoặc tủ đông.
- Sản phẩm bị bẩn, hư hỏng hoặc mốc.
Bảo quản đúng cách
Các thực phẩm tươi khi mua về cần được bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp. Các loại thực phẩm như thịt cá cần được rửa sạch và bảo quản trong hộp kín ở ngăn đông, riêng với các loại rau cần được bảo quản trong túi và cất trong ngăn đựng rau củ.
Đối với những món ăn còn thừa, mọi người cũng nên bọc kín lại và bảo quản trong tủ lạnh. Cuối cùng, mọi người nên dọn tủ lạnh thường xuyên để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Ảnh minh hoạ.
Chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Hãy luôn ghi nhớ rửa tay thật sạch trước, trong và sau khi sơ chế các loại thực phẩm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thói quen rửa tay với xà phòng có hiệu quả phòng ngừa ngộ độc cao hơn bất kỳ loại vắc-xin hoặc các biện pháp can thiệp y tế nào khác. Vì vậy khi chế biến thực phẩm hãy rửa tay với xà phòng, chú ý làm sạch cả kẽ tay và rửa với xà phòng ít nhất 20 giây sau đó lau khô tay bằng khăn sạch hoặc giấy.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cả bề mặt trong căn bếp để hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, từ đó giúp phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc.
Dùng riêng thớt cho thực phẩm sống và chín
Việc dùng riêng thớt thực phẩm sống và thực phẩm chín giúp phòng tránh mầm bệnh từ thực phẩm sống lây nhiễm chéo sang thực phẩm khác. Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh thớt bằng nước nóng sau mỗi lần sử dụng để loại bỏ vi khuẩn bám trên thớt.
Ảnh minh hoạ.
Ăn chín uống sôi
Nấu chín thực phẩm là một trong những cách hiệu quả để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc. Theo đó, các thực phẩm cần được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ từ 70-100°C và nên được sử dụng ngay sau khi nấu xong.