Người đàn ông bất ngờ được chẩn đoán suy thận độ 5 ở tuổi 32
Đã lọc máu được 8 năm, anh S (hiện 40 tuổi, tại Hà Đông, Hà Nội) một tuần 3 lần anh vẫn tự đi xe máy lên khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn để lọc máu chu kỳ.
Anh S tâm sự năm anh 32 tuổi, anh vẫn đi làm bình thường, sức khoẻ không có vấn đề gì. Riêng chỉ có da bị sạm màu và vàng đi nhiều, kèm theo đó là buổi tối khi đi ngủ anh S hay bị chuột rút chân nhưng lúc đó anh S cũng chỉ nghĩ là do mệt mỏi, nghỉ ngơi đủ các triệu chứng sẽ tự hết.
Chỉ đến khi anh S không thể ăn được thịt, cứ ăn vào là khó chịu hoặc nôn ra thì anh mới đi khám.
"Tôi cùng vợ đi ra Bệnh viện 108 khám, bác sĩ cho biết thận của tôi đã xơ, teo (suy thận độ 5). Bác sĩ động viên tôi về nhà thu xếp để nhập viện lọc máu sớm. Tôi nghe bác sĩ nói mà không đứng được dậy, không tin vào kết quả khám. Lúc ra khỏi phòng khám tôi nói với vợ vào hỏi lại bác sĩ vì anh vốn khoẻ mạnh, anh không tin là mình bị suy thận", anh S nói.
Anh S ngồi gục ngay tại chỗ: "Tôi vẫn khoẻ, đi làm bình thường sao lại suy thận giai đoạn cuối được".
Không tin vào kết quả chẩn đoán của bác sĩ, anh S đã lên Cao Bằng bốc thuốc uống vì nghe nói uống thuốc lá sẽ khỏi.
"Tôi uống chưa hết 2 thang thuốc thì thấy tim đập nhanh. Gia đình sợ quá đã đưa tôi vào viện cấp cứu và lọc máu ngay lập tức", anh S chia sẻ lại.
Khi nhận chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, anh cũng đã suy sụp tinh thần mất nửa năm. Vì anh đang là trụ cột gia đình, đang đi làm kiếm tiền nuôi con, giờ mỗi tuần 3 lần vào viện chạy thận nên anh chưa thể chấp nhận được ngay.
Nguyên nhân bất ngờ gây suy thận
Khi được hỏi về nguyên nhân gây suy thận, anh S kể trước khi phát hiện suy thận, anh đã có bệnh nền tăng huyết áp. Tuy nhiên, do thể trạng khoẻ mạnh, có người khuyên không cần phải uống thuốc nên anh cũng nghe theo. Anh không ngờ sai lầm bỏ thuốc này lại có thể âm thầm "phá huỷ" thận của mình.
Qua câu chuyện của bản thân, anh S cũng chia sẻ với mọi người nếu có mắc cao huyết áp thì mọi người phải uống thuốc điều trị đều. Khi cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, mọi người nên đi khám sớm để phát hiện bệnh, can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, nếu ai phát hiện suy thận mạn nên nhập viện điều trị ngay và không nên tốn tiền đi bốc thuốc lá để cuối cùng tiền mất tật mang, khiến việc điều trị tốn kém.
"Tôi biết có người bạn chạy thận cùng, lúc đầu chỉ mới suy thận giai đoạn 3a chưa phải lọc máu. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc lá được 1 tháng, thận của người bạn đó đã mất chức năng và phải lọc máu, điều này vô cùng đáng tiếc", anh S chia sẻ.
Anh S cho biết, khi tiến hành lọc máu định kỳ, sức khoẻ của anh S đã ổn định. Hàng ngày, anh S phụ giúp vợ bán tạp hoá vì không thể làm được các công việc nặng nhọc như trước.
Tăng huyết áp tàn phá thận ra sao?
ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biếttăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới suy thận mạn. Do tăng huyết áp có liên quan tới vấn đề rối loạn chuyển hoá.
Trường hợp của bệnh nhân S khá đáng tiếc khi bệnh nhân đã phát hiện mắc tăng huyết áp nhưng lại không uống thuốc. Huyết áp cao liên tục đã làm ảnh hưởng tới chức năng của thận.
"Bệnh nhân tăng huyết áp kéo dài nếu không uống thuốc sẽ gây ra những mảng xơ vữa mạch và dẫn đến viêm cầu thận mạn. Huyết áp luôn ở mức cao sẽ khiến cho cầu thận bị tổn thương nặng và dẫn tới suy thận", bác sĩ Quốc nói.
Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây ra suy thận mạn là đái tháo đường và tăng huyết áp. Tại khoa, tỷ lệ suy thận do liên quan tới 2 bệnh lý nền kể trên khá nhiều.
Do vậy, để bảo vệ chức năng thận, bác sĩ Quốc khuyến cáo mọi người cần phải kiểm soát tốt bệnh lý nền. Người mắc tăng huyết áp, đái tháo đường nên tuân thủ đúng theo điều trị, uống thuốc để bảo toàn cho chức năng thận.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để giúp cho thận hoạt động tốt.