Người bệnh tiểu đường ăn thịt lợn có tốt không?
Thịt lợn là món ăn phổ biến bữa cơm hằng ngày của các gia đình Việt. Thịt lợn thơm ngon, bổ dưỡng, chế biến được nhiều món từ luộc, nướng, rang, kho... phù hợp cho mọi đối tượng và lứa tuổi.
Thịt lợn là nguồn thực phẩm protein chất lượng cao, thịt lợn rất giàu khoáng chất bao gồm: natri, kẽm, kali, phốt pho và đồng. Hàm lượng magie và sắt cũng tương đối cao. Tuy nhiên, lượng mangan và canxi khá thấp. Các nhà khoa học còn tìm thấy hàm lượng lớn các loại vitamin như B1, B2, B6, B12, PP trong loại thịt này. Cứ mỗi 100 gram thịt heo chứa khoảng 458 calo.
Ảnh minh họa
Về các chỉ số đường huyết, vì thịt lợn gần như không chứa chất đường bột trong thành phần dinh dưỡng, nên chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) của loại thịt này gần như bằng 0. Vì vậy, người bệnh tiểu đường hoàn toàn ăn được thịt lợn. Tuy nhiên, nên ăn với liều lượng và tần suất vừa phải bởi thịt lợn chứa nhiều chất béo bão hòa không có lợi cho quá trình điều trị.
Người bệnh tiểu đường ăn thịt lợn bao nhiêu là đủ?
Trên thực tế, không có giới hạn cố định nào dành riêng cho việc tiêu thụ thịt heo ở người bệnh tiểu đường. Nhìn chung, lượng thịt mà mỗi người bệnh tiểu đường nên tiêu thụ mỗi ngày thay đổi tùy theo các yếu tố cá nhân, chẳng hạn như tuổi tác, kích thước cơ thể, mức độ bệnh lý cũng như tần suất và cường độ hoạt động thể chất.
Theo nghiên cứu, nhu cầu về lượng đạm ở người bệnh tiểu đường nên nằm trong khoảng từ 1 – 2g / kg cân nặng / ngày (hoặc 15 – 20% tổng năng lượng). Nếu có biến chứng suy thận, bạn nên giới hạn xuống mức 0.8 – 1g protein / kg cân nặng / ngày.
Điều này tương đương với việc người bệnh tiểu đường không nên tiêu thụ quá 172 – 230g thịt nạc lợn / ngày, và cũng không nên tiêu thụ quá 400 – 500g thịt lợn / tuần.
Nguyên nhân là bởi tiêu thụ thịt lợn quá mức đã được nhiều nghiên cứu công nhận là yếu tố rủi ro có thể góp phần làm tăng nguy cơ khởi phát một số loại ung thư, điển hình như ung thư đại trực tràng.
Người bệnh tiểu đường ăn thịt lợn cần lưu ý điều này
Ảnh minh họa
Lựa chọn thịt tươi, ít mỡ
Người bệnh nên ưu tiên các phần thịt lợn nạc, không da như thịt lợn thăn, sườn thăn lợn, sấn mông…, đồng thời tránh các phần thịt mỡ như ba chỉ. Ngoài ra, khi mua về nên chế biến ngay để giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon của thịt.
Hạn chế thịt lợn biến sẵn
Xúc xích, lạp xưởng, pate thịt heo, các loại chả, thịt nguội, bacon,… đều chứa nhiều chất béo bão hòa, muối, gia vị, chất phụ gia và chất bảo quản. Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên hạn chế tối đa những thực phẩm này để bảo vệ sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa.
Hạn chế sử dụng dầu mỡ trong chế biến
Luộc, hấp, nấu canh,… sẽ là những cách chế biến thịt lợn lành mạnh, tốt cho người tiểu đường. Trong khi đó, các phương pháp như chiên, nướng nên được hạn chế để tránh việc hấp thụ phải những độc tố sinh ra trong quá trình thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ quá cao (trên 180°C).
Nên kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ
Thịt lợn là nguồn protein dồi dào nhưng thiếu chất xơ và chất béo lành mạnh. Vì vậy, khi tiêu thụ thịt lợn, người bệnh tiểu đường cần kết hợp với rau, củ, quả, cá biển và các loại dầu thực vật, để vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, vừa kiểm soát lượng đường và lipid trong máu.