Chị Hà (50 tuổi, ở Hà Tĩnh) có tiền sử bị sỏi túi mật và uống thuốc nam lâu nay. Thời gian gần đây, chị Hà thấy mệt mỏi, da vàng, sút cân. Chị đi khám, bác sĩ siêu âm nói gan chị có những tổn thương nên giới thiệu chị tới bệnh viện tuyến trên để được khám chuyên sâu.
Dù chưa có kết luận bệnh nhưng nhìn những đám tổn thương tại gan qua hình ảnh siêu âm, chị Hà nghĩ mình mắc ung thư gan. Chị đã khóc hết nước mắt vì lo sợ.
Khi khám tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ nghi ngờ tổn thương gan của chị Hà không phải do khối u mà là sán. Chị Hà được giới thiệu tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (trực thuộc Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương) điều trị.
Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng đi khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Ảnh: PV)
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, sau khi khám, bác sĩ phát hiện ổ tổn thương tại gan của chị Hà là ấu trùng sán lá gan lớn. Khi soi kỹ, bác sĩ còn thấy sán đang ngọ nguậy. Chị Hà cũng cho biết chị thường có thói quen ăn các loại rau sống như cần, ngổ, ngó sen và gỏi cá.
TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, nhiễm sán lá gan rất thường gặp ở những người dân có thói quen ăn đồ tái, sống như gỏi cá hoặc ăn sống các loại rau thủy sinh.
Người nhiễm sán lá gan do ăn, uống phải trứng hoặc ấu trùng nang có trong nước, gỏi cá, tôm sống, rau mọc dưới nước chưa rửa sạch… Khi ấu trùng xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ lại sinh trưởng theo chu kỳ mới.
Triệu chứng nhiễm sán lá gan giai đoạn đầu khá mờ nhạt, âm ỉ nên ít người để ý. Thời gian sau, người bệnh có thể bị sút cân, chán ăn, biểu hiện viêm tuyến mật, viêm đường mật. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.
TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Ảnh: PV)
Bệnh sán lá gan gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 30-50. Ở nam giới, tỷ lệ nhiễm sán lá gan cao gấp nhiều lần so với ở nữ giới. Ở vùng dịch tễ nhiễm sán lá gan, có thể gặp những bệnh nhi 5-6 tuổi bị nhiễm sán lá gan nhỏ, vô tình phát hiện khi bị đau bụng, đi siêu âm. Những bệnh nhi này không ăn đồ tái sống nhưng có thể bị lây nhiễm ấu trùng sán lá gan qua dao, thớt, đĩa được sử dụng khi chế biến các món gỏi cá.
TS.BS Dũng cho hay, điều trị sán lá gan không khó, khi phát hiện, dùng thuốc đặc hiệu đủ liệu trình là tiêu diệt được sán lá gan. Tuy nhiên, việc phát hiện để điều trị là rất khó vì dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác.
Bệnh nhiễm sán lá gan nhỏ xuất hiện nhiều tại các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái.... Những người sống trong vùng dịch tễ, đặc biệt đã từng ăn gỏi cá, ăn sống các loại rau thủy sinh, cần cẩn trọng với các dấu hiệu như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ứ mật, vàng da... Nếu có các triệu chứng này, hãy đi khám để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cách phòng bệnh do ký sinh trùng rất đơn giản
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán, thói quen ăn uống như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ.
Để phòng chống bệnh bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng, người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.