Một người phụ nữ trung niên họ Dương (Trung Quốc) cảm thấy vô cùng bất ngờ khi phát hiện mình mắc ung thư phổi. Bởi vì cả gia đình bà không có ai hút thuốc, ngoài ra bà cũng rất hiếm khi đụng tới nước uống có ga chứ đừng nói là bia rượu.
Ảnh minh họa
Bà Dương kể lại, thể trạng của bà khá tốt, ít khi đau ốm lại ăn uống cẩn thận, chăm chỉ thể dục nên chủ quan mà không khám sức khỏe thường xuyên. Ngay cả trước khi phát hiện bệnh ung thư phổi, bà cũng không nhận ra triệu chứng nào rõ rệt.
Cho đến một hôm, cả gia đình bà Dương đi khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc). Bà bắt đầu cảm thấy bất an khi bác sĩ hỏi mình gần đây có thường xuyên bị ho, tức ngực hay khó thở hay không.
Nghĩ kỹ lại, bà cho biết mình chỉ thỉnh thoảng đau đầu, giọng nói đột nhiên khàn đi. Khó thở hay tức ngực ở mức độ nhẹ chỉ xảy ra khi leo cầu thang, mang vác vật nặng hoặc vào những ngày ăn quá no dẫn tới mất ngủ. Tuy nhiên, bà luôn cho rằng đó là dấu hiệu tuổi tác chứ chưa từng nghĩ mình mắc bệnh gì nguy hiểm.
Ngay sau đó, bà được chuyển tới Khoa Lồng ngực để chụp X-quang và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu khác. Tiến sĩ Zhong Weisheng là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho bà Dương, ông cho biết, bà bị ung thư biểu mô tuyến phổi. Nguyên nhân không đến từ thuốc lá hay bia rượu mà do các loại khói trong nhà bếp.
Tại sao khói bếp, khói dầu gây bệnh ung thư phổi?
Trong quá trình điều tra bệnh sử, bà Dương liên tục cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán nhầm. Ngoài việc không rượu bia, không hút thuốc và tiếp xúc nhiều với khói thuốc thì bà còn có lối sống rất lành mạnh, cũng chẳng có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Thậm chí, bà còn ít có nguy cơ phơi nhiễm bởi các chất hóa học, ngay cả khói bụi ngoài môi trường cũng ít tiếp xúc hơn người khác bởi vốn làm nội trợ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, bà Dương không thể ngờ rằng chính công việc nội trợ này lại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư phổi.
Tiến sĩ Zhong Weisheng nhấn mạnh, khói trong bếp thực chất là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư cho phụ nữ. Đầu tiên là các chất khí độc hại như carbon monoxide, carbon dioxide, nitrogen oxides... trong khi sử dụng bếp ga, củi đốt. Thứ hai là khói dầu bay ra và hòa vào không khí trong quá trình nấu nướng thực phẩm, nhất là với các món chiên rán.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, khói dầu ăn sinh ra trong quá trình nấu nướng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp như: viêm phổi, hen suyễn, ung thư phổi, ung thư thanh quản... hay đục thủy tinh thể. Thống kê của WHO cho thấy mỗi năm toàn thế giới có khoảng 1,6 triệu người tử vong vì nguyên nhân này.
Ông lấy dẫn chứng thêm rằng, một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã chỉ ra: nấu ăn trong điều kiện thông gió kém, khói bốc ra từ quá trình chế biến thức ăn sẽ gây hại cho sức khỏe tương đương với việc hút 2 bao thuốc lá một ngày và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Bởi trong dầu ăn chứa nhiều các loại axit béo không bão hòa như axit linoleic… Khi dầu được làm nóng sẽ oxy hóa và phân hủy, tạo thành một số hợp chất có hại, thậm chí gây ung thư. Cụ thể, glycerin trong dầu ăn sẽ tổng hợp thành acrolein độc hại khi sôi già, có thể gây kích thích niêm mạc mũi, mắt và cổ họng. Chất thải ra từ khói dầu như nitrogen oxides có độc tính rất mạnh nếu dầu tiếp tục làm nóng trên 200 độ C. Đặc biệt là khi dầu sôi bốc khói tức là nó có thể sản sinh ra 2 chất gây ung thư đáng sợ benzopyrene và peroxide.
Khi xâm nhập vào cơ thể người chúng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người, gây ra ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan và ung thư phổi. Hơn nữa, bản thân khói dầu ăn cũng được WHO xếp hạng vào nhóm chất gây ung thư 2A, là nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.
Trong khi đó, bà Dương đã bắt đầu làm nội trợ kể từ khi còn là cô gái đôi mươi. Thời trẻ bà cũng từng mở quán ăn, sau này thì nhà đông người, nhiều thế hệ sống chung nên việc nấu nướng cũng luôn tất bật. Chưa kể tới, bà vốn là người thích nấu nướng, lại thường xuyên làm các món chiên rán và món nướng trong căn bếp của mình.
Các triệu chứng sớm của ung thư phổi cần chú ý
May mắn là bên cạnh việc hít phải khói dầu trong một thời gian dài thì bà Dương cũng là người có lối sống lành mạnh, thể trạng tốt. Nhờ vậy mà khi phát hiện, bệnh ung thư phổi của bà mới ở giai cuối giai đoạn 1, đầu giai đoạn 2. Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u, bà tiếp tục tích cực hợp tác với bác sĩ để xạ trị bổ sung và hồi phục sức khỏe rất tốt.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Zhong Weisheng cho biết có một điều đáng tiếc đó là bệnh của bà có thể điều trị tốt hơn, ngăn ngừa biến chứng và tái phát nếu như được phát hiện sớm hơn ở ngay giai đoạn 1. Cũng qua trường hợp này, ông nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đồng thời, đừng bỏ qua 7 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi sau đây:
- Ho dai dẳng, nhất là về đêm.
- Đau tức ngực.
- Khó thở, thở khò khè.
- Đột nhiên bị khàn giọng, thay đổi giọng nói mà không thể hồi phục lại.
- Sụt cân bất thường.
- Hay đau nhức đầu, thường là đau nửa đầu.
- Đau mỏi vai gáy, các cơ ở khu vực gần ngực.
Khi ung thư phổi tiến triển, các triệu chứng trên cũng dần trở nên rõ ràng hơn và mức độ dữ dội ngày càng tăng. Tiêu biểu như ho dữ dội, ho ra máu, ho đến mức suy nhược cơ thể. Đau tức ngực dù không gắng sức, thường bị khó thở hoặc tức ngực đến mức tỉnh giấc giữa đêm. Chán ăn và sụt cân nhanh kèm với các triệu chứng do chèn ép như khó nuốt, khàn tiếng, hội chứng tĩnh mạch chủ trên…
Ảnh minh họa
Còn các triệu chứng khi khối u di căn não sẽ còn cộng thêm: nhức đầu, buồn nôn, nôn ói, rối loạn nhận thức, rối loạn vận động, triệu chứng thần kinh khu trú… Hoặc triệu chứng di căn xương như đau đớn, giới hạn vận động, mất cảm giác ở nhiều bộ phận xương… Khi chèn ép tủy sống còn gây ra tê, yếu, mất khả năng vận động các chi…
Để phòng tránh ung thư phổi, việc tránh xa thuốc lá, hạn chế bia rượu, bảo vệ bản thân trước môi trường ô nhiễm khói bụi hoặc hóa chất… là đương nhiên. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Zhong Weisheng cũng nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng ngay cả trong căn bếp của mình.
Khi nấu nướng, hãy đảm bảo căn bếp được thông thoáng, sẽ tốt hơn nếu có các thiết bị hút mùi hoặc thông gió. Hạn chế sử dụng vật liệu đốt tạo nhiều khói độc như than, củi… Hạn chế các món chiên rán hoặc phải sử dụng nhiều dầu mỡ, không để dầu sôi đến bốc khóc rồi mới bắt đầu chế biến thực phẩm. Những người hút thuốc, tiếp xúc khói dầu hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc ung thư phổi cần đi tầm soát ung thư định kỳ.
Nguồn và ảnh: TTVC, Asia One, WHO