ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E vừa chia sẻ về trường hợp bà N.T.V (56 tuổi Hà Nội).
Năm 15-16 tuổi trong khi các bạn cùng trang lứa có kinh nguyệt thì bà V. vẫn không thấy gì. Khi đó gia đình có đưa bà đi khám nhưng bác sĩ chỉ kết luận: Không có kinh nguyệt, khó có con.
Năm 23 tuổi, bà lập gia đình nhưng rất khó quan hệ và mãi không có thai. Lúc đầu vợ chồng bà chỉ nghĩ là do hiếm muộn chứ chưa từng biết nguyên nhân thực sự là do bà không có âm đạo. Dần cuộc sống hôn nhân của bà đổ vỡ.
Các bác sĩ thực hiện tạo hình âm đạo cho bệnh nhân.
Sau đó có nhiều người theo đuổi nhưng bà đều tìm cách né tránh… Mới đây, trong một lần tình cờ đọc trên báo nói về phẫu thuật tạo hình âm đạo, bà V. đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) để tìm lại chính mình dù đã ở cái tuổi 56.
Qua thăm khám, ThS.BS Nguyễn Đình Minh cho biết, bệnh nhân này mắc hội chứng bất sản ống Muller, đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, chất lượng sống của người bệnh.
Kết quả siêu âm và chụp MRI cho thấy bệnh nhân không có âm đạo, tử cung, ống âm đạo chỉ là dải xơ khoảng 1,5 cm. Xét nghiệm các chỉ số hormone, nội tiết thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng. Đặc biệt nhiễm sắc thể đồ là 46XX, xác định bệnh nhân giới tính nữ.
Vì thế, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân này.
Các bác sĩ đã tạo khoang âm đạo mới, nằm giữa trực tràng và bàng quang cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật tạo hình âm đạo kéo dài hơn 1 giờ.
Một ê-kíp tạo khoang âm đạo và ê-kíp còn lại nội soi ổ bụng, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang (do Ths.Bs. Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Nam học phụ trách).
Theo bác sĩ Minh, khó khăn của ca phẫu thuật này chính là việc bóc tách khoang âm đạo mới phải vô cùng cẩn thận và tỷ mỷ để không làm rách trực tràng, bàng quang, cũng như tổn thương các mạch máu.
Theo y văn, hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser khiến âm đạo, tử cung không phát triển. Bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng, các hormone giới tính trong giới hạn bình thường. Các bộ phận khác trên cơ thể bé gái mắc bệnh vẫn phát triển bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục… Tình trạng nữ giới không có âm đạo không phải là hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000, nghĩa là cứ 4.000 trẻ em sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo.
Đây là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo có thể gây ra các khối u vùng âm hộ hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục…). Còn ở tuổi dậy thì, đến thời kỳ có kinh nguyệt nhưng nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh nguyệt. Đặc biệt, để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được phẫu thuật tạo hình âm đạo.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như: Đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải thăm khám sớm.