Người trẻ teo âm đạo đang ngày càng trẻ hóa
Ở tuổi 43, chị Tố Quyên (ở Hà Nội) nhìn bề ngoài vẫn khá mặn mà, nhất là khi chị trang điểm và diện trên mình những bộ đồ sang trọng. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong người phụ nữ này là nỗi buồn khó nói, khi chuyện chăn gối của chị “đã tắt” gần 2 năm nay.
Chị Quyên chia sẻ, không phải chị hết yêu chồng, mà có cảm giác như “cô bé” ngày càng nhỏ lại dù không hề có can thiệp gì. “Nhiều người phải đi thẩm mỹ thu nhỏ âm đạo để cuộc yêu khăng khít hơn. Tôi thì cảm giác như chỗ ấy kích thước nhỏ dần, kèm theo tình trạng khô hạn liên miên", chị Quyên kể.
Điều này khiến mỗi lần gần chồng chị cảm thấy đau rát, tình trạng viêm vùng kín cũng kéo dài hơn sau mỗi cuộc yêu khiến chị luôn kiếm cớ lảng tránh. Gần đây, được một người bạn thân khuyên nhủ, chị quyết định đi khám để giữ lửa hạnh phúc gia đình. Kết quả cho thấy, chị bị suy giảm nội tiết tố, đang bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
Không ít chị em phải nghỉ hưu sớm vì khô và teo âm đạo dù mới bước sang tuổi 40. Ảnh minh họa.
TS.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, không chỉ trường hợp trên, anh từng khám cho nhiều chị em rơi vào tình trạng nặng nề hơn khi âm đạo bị khô và teo nhưng vẫn cố quan hệ. "Đáng chú ý, số lượng đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Có người mới chớm 40 tuổi đã bị khô âm đạo, nhưng vẫn cố chịu đựng để chiều chồng dẫn tới “cô bé” bị tổn thương nghiêm trọng, vùng âm đạo sưng đỏ”, bác sĩ Thành chia sẻ. Ngoài tổn thương ống âm đạo, không ít chị em còn bị viêm nhiễm đường tiết niệu, dẫn tới tiểu buốt, tiểu rắt ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống.
Làm sao để hạn chế khô, teo “cô bé”
Ths.BS Phan Thu Hằng (Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Hà Nội) cho biết, việc viêm và teo âm đạo rất phổ biến ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh khi cơ thể người phụ nữ thiếu nội tiết.
“Ở độ tuổi dưới 40, buồng trứng tiết ra nhiều estrogen làm cho niêm mạc âm đạo luôn dày dặn và nhiều chất nhờn. Chính điều này tạo nên hệ đề kháng để phòng vi khuẩn tấn công, cũng như giúp hoạt động tình dục trơn tru hơn. Sau tuổi 40, nột tiết suy giảm vì người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại phát triển, gây viêm và khô rát âm đạo”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, việc sụt giảm nội tiết đã âm thầm xảy ra từ những năm chị em 35 tuổi, khiến buồng trứng hoạt động kém đi. Vì thế, các khuyến cáo đều khuyên chị em nên sinh đẻ trước 35 tuổi. Đến khi vào giai đoạn tiền mãn kinh nội tiết sụt giảm rất nhanh chóng và nó sẽ bị “tê liệt” khi bước vào giai đoạn mãn kinh (khoảng tuổi 50).
Qua phân tích trên, bác sĩ Thành khẳng định, việc teo âm đạo của chị em là có thật và không phải khi mãn kinh mới bắt đầu, mà nó diễn ra từ 10-15 năm trước, khi cơ thể bắt đầu suy giảm nội tiết.
Việc gia tăng các bệnh lý chuyển hóa cũng ảnh hưởng tới các vấn đề ở vùng kín của phụ nữ. Ảnh minh họa.
Về lý do khô, teo âm đạo ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Phan Chí Thành nhận định, đó là do ngày càng nhiều chị em mắc bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như béo phì, mỡ máu hoặc lười vận động hay hút phải thuốc lá thụ động. Ngoài ra, áp lực công việc, cuộc sống dẫn tới stress, vệ sinh vùng kín sai cách cũng sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa, suy giảm nội tiết và dẫn khô, teo âm đạo.
Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc thay đổi lối sống, bổ sung estrogen, uống đủ nước thì quan hệ đều đặn cũng là giải pháp hữu hiệu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, người quan hệ đều đặn thì tình trạng teo âm đạo sẽ nhẹ hơn so với những người không hoạt động tình dục vì "chuyện ấy" làm tăng lưu lượng máu và giúp âm đạo đàn hồi tốt hơn. Ngoài ra, khi "yêu", các đôi có thể dùng gel trôi trơn, khởi động kỹ hơn và tuyệt đối đừng dừng hẳn hoạt động chăn gối.
“Ví dụ như trường hợp trên, vì vùng nhạy cảm khô mà dừng hẳn hoạt động tình dục là sai lầm, bởi càng khiến tình trạng trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy "yêu" đều đặn hơn để để vừa gắn kết tình cảm vợ chồng, vừa kích thích chất nhờn tiết ra. Nên nhớ, hoạt động phòng the còn thể hiện bằng lời nói, cử chỉ âu yếm, vuốt ve...”, bác sĩ Chí Thành tư vấn.