Mộc nhĩ được đánh giá cao trong ngăn ngừa đột quỵ
Mộc nhĩ còn có tên gọi khác là nấm mèo, nấm đen, nấm mèo, nấm tai thạch, tên khoa học là Auricularia auricula-judae. Đây là món ăn phổ biến, quen thuộc của người Việt.
Các chuyên gia y tế cũng rất ca ngợi mộc nhĩ, được ví như "thần dược chữa bách bệnh", "yến sào làm từ thực vật", "báu vật đen trong ẩm thực". Mộc nhĩ giúp bổ sung canxi, bổ sung sắt, ngăn ngừa cholesterol cao và xơ cứng động mạch, giàu chất xơ, và chất chống đông máu, ít calo, chỉ có 24 calo trên 100 gam nhưng chất xơ lại cao tới 7,4 gam, gấp 6 lần so với bắp cải.
Trong Đông y, mộc nhĩ được dùng làm món ăn bài thuốc bổ dưỡng cho người khí huyết suy kém, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý tim mạch. Ăn mộc nhĩ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến nhồi máu cơ tim.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu về công dụng của mộc nhĩ trong điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ
Theo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trên Mycobiology, việc sử dụng chiết xuất nấm mộc nhĩ cho chuột làm giảm đáng kể mức chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và cholesterol LDL xấu.
Trong mộc nhĩ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol. Hợp chất này giúp chống lại sự hình thành gốc tự do và bảo vệ tế bào chống lại tổn thương oxy hóa ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, viêm khớp dạng thấp.
Ngoài cung cấp chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng tuyệt vời, nấm mộc nhĩ còn có đặc tính kháng khuẩn mạnh, có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của một số chủng vi khuẩn: Escherichia coli và Staphylococcus aureus.
5 công dụng của mộc nhĩ với sức khỏe
Ảnh minh họa
Tốt cho đường ruột
Mộc nhĩ rất giàu chất xơ, giúp cải thiện trình trạng táo bón. Đặc biệt, prebiotics là loại chất xơ có trong mộc nhĩ giúp nuôi các vi khuẩn tốt trong đường ruột. Do đó ăn nhiều mộc nhĩ sẽ giúp vi khuẩn đường ruột sản xuất chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Chất keo nhầy trong mộc nhĩ có thể kết dính những tạp chất trong hệ tiêu hóa và đẩy chúng ra ngoài cơ thể, làm sạch ruột và dạ dày.
Tốt cho tim mạch
Ăn mộc nhĩ có khả năng giảm cholesterol xấu nhờ lượng lớn chất chống oxy hóa mạnh. Việc giảm cholesterol xấu rất tốt trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Mộc nhĩ còn giàu vitamin K và các chất khoáng như canxi, magie. Những chất này rất hữu hiệu trong việc giảm cục đông máu, phòng bệnh tắc động mạch.
Bảo vệ gan
Mộc nhĩ còn có công dụng bảo vệ gan khỏi một số chất độc hại. Trộn bột mộc nhĩ với nước giúp đảo ngược và bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng quá liều acetaminophen (một loại hóa chất được sử dụng để điều trị sốt).
Ngăn ngừa bệnh mãn tính
Mộc nhĩ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và bảo vệ tế bào, chống lại các tổn thương do oxy hóa. Từ đó hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, viêm khớp dạng thấp và bệnh tim.
Giúp làm đẹp
Protein và vitamin E có trong mộc nhĩ giúp da tươi sáng, mịn màng. Vì vậy bổ sung mộc nhĩ vào bữa ăn hằng ngày sẽ góp phần cải thiện tình trạng lão hóa da sớm.
Bên cạnh đó mộc nhĩ cũng rất tốt trong việc giảm cân nhờ vào hàm lượng chất xơ cao và tác dụng giảm cholesterol trong máu.
6 món ăn bài thuốc từ mộc nhĩ
Ảnh minh họa
Chữa bệnh kiết lỵ: Mộc nhĩ 20g, sao và tán thành bột mịn, chia uống 2 lần/ngày, uống từ 3 – 5 ngày.
Chữa bệnh trĩ: Dùng mộc nhĩ nấu ăn ngày từ 1 – 2 lần, ăn đều trong nhiều ngày bệnh sẽ khỏi.
Chữa đau răng: Mộc nhĩ từ 3 – 5 miếng, kinh giới một nắm, sắc lấy nước đặc ngâm và súc miệng hằng ngày.
Chữa suy nhược cơ thể: Mộc nhĩ 30g, chà là đỏ 30g sắc uống ngày 2 – 3 lần, mỗi lần uống 40 – 50ml, uống trong nhiều ngày.
Chữa táo bón: Mộc nhĩ 6g, hồng khô 30g nấu thành chè, ăn hằng ngày.
Chữa cao huyết áp, chảy máu võng mạc: Mộc nhĩ 30g, ngâm trong nước một đêm, rửa sạch cho vào bát ăn cơm, cho một thìa cà phê đường, hấp chín (hấp từ 1 – 2 giờ) ăn trước khi đi ngủ. Hấp ăn từ 3 – 5 ngày.