Quả vải là loại trái cây đặc sản, được yêu thích vào mùa hè. Theo các nghiên cứu khoa học, vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2,... vì vậy, quả vải thiều còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, chúng còn có những tác hại, tác dụng phụ ít người biết. Loại quả này có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người như suy hô hấp, phù nề da, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt... Bên cạnh đó, quả vải cũng làm ảnh hưởng đến cân bằng hormone trong cơ thể. Việc ăn quá nhiều quả vải có thể gây chảy máu trong, sốt hoặc các vấn đề khác.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, ăn vải không đúng cách còn có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, lupus, viêm khớp dạng thấp.
Ăn quá nhiều vải có khả năng gây nóng trong, làm mất sự cân bằng của cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt làm trầm trọng bệnh ở những người bị tiểu đường.
Do vậy, để có thể ăn vải một cách an toàn, mọi người cần nắm được những kiến thức sau đây:
Thời điểm không nên ăn vải
Ăn khi đói: Trong 100g vải có tới 16g fructose. Fructose cần phải được chuyển hóa thành glucose thì cơ thể mới sử dụng được và việc này do gan phụ trách. Khi ăn quá nhiều vải, fructose tích tụ, cơ thể phải sản sinh lượng insulin tương xứng để phân giải đường. Nhưng chất mà insulin phân hủy được lại không phải sự phân hủy của fructose mà là glucose. Đó chính là nguyên nhân ăn nhiều vải khi đói sẽ làm hạ đường huyết do giảm lượng đường glucose cần thiết trong máu.
Ăn vải khi đói là điều tối kỵ.
Ăn vải tươi khi đói có thể gây say với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
Thời điểm tốt nhất để ăn vải là sau bữa cơm, bởi lúc này cơ thể đã tích lũy đủ lượng nước muối qua thức ăn nên không sợ say, nóng.
Nếu gặp hiện tượng say vải, bạn nên uống một cốc nước đường để cải thiện sức khỏe. Điều đó giúp bù đắp lượng đường do insuline trong cơ thể đã tăng lên để hạ nồng độ đường trong máu xuống quá mức.
Phụ nữ khi trước và trong kỳ “đèn đỏ”: Trong một vài ngày trước chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường lo âu, trầm cảm, căng thẳng về tình cảm, mất ngủ, khó chịu, bồn chồn, mệt mỏi, do sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Do đó, khi đang trong giai đoạn này, chị em cần hạn chế ăn nhiều vải thiều.
Người không nên ăn nhiều vải thiều
- Người nóng máu hay bị mụn nhọt
Vải vốn nổi tiếng là loại quả có tính nóng vì thế khi ăn nhiều vải sẽ gây ra cảm giác nóng nực, khó chịu, nhiệt miệng, mụn nhọt. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến các triệu chứng này càng thêm trầm trọng, thậm chí sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn.
Bên cạnh đó, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người mắc bệnh có đờm, thủy đậu, chắp lẹo ở mắt… cũng nên hạn chế tối đa ăn vải. Những người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều vải cùng một lúc.
Theo các chuyên gia, đối với người lớn, mỗi lần ăn vải không nên nhiều hơn 10 quả, còn trẻ nhỏ chỉ nên cho ăn 4 - 5 quả/lần. Trước khi ăn vải (nếu chưa ăn cơm) thì nên uống chút nước muối.
- Người thừa cân
Quả vải mọng nước, có vị ngọt, giải khát tốt trong mùa hè nên đây là lựa chọn của rất nhiều người. Do những người thừa cân thường có xu hướng ăn nhiều, mà quả vải lại rất dễ ăn nên họ khó có thể kiểm soát được lượng đường đưa vào cơ thể. Vì vậy, nếu muốn giảm cân thì bạn không nên ăn nhiều vãi.
- Người tiểu đường
Vải không phải là một loại hoa quả được khuyến khích cho người tiểu đường sử dụng. Bởi vì, trong quả vải chứa lượng đường rất cao, trong cơm vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70% - đứng hàng đầu trong các loại cây ăn trái.
Vì vậy, người bệnh tiểu đường ăn vải sẽ khiến gan không chuyển hóa hết được frucotose làm lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Ngoài ra, lượng đường cao trong quả vải sẽ tạo cảm giác no khiến chúng ta không muốn ăn các loại tinh bột khác. Điều này gây ra tình trạng hạ đường huyết, đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh tiểu đường.
- Trẻ em
Trẻ em không nên ăn nhiều vải để tránh bị ốm. Ảnh minh họa
Hệ tiêu hóa của trẻ em còn yếu, do đó không nên cho bé ăn quá nhiều vải vì lượng đường trong vải cao dễ làm các vi khuẩn trong cơ thể sinh sôi, dễ khiến bé bị bệnh. Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 - 6 quả).
- Phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai thường rất dễ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt những người đã có tiền sử bị tiểu đường hoặc thừa cân. Lượng đường trong vải rất cao vì vậy thai phụ nên ăn với số lượng ít. Ngoài ra, quả vải còn có tính nóng nên dễ gây nóng gan, đau rát lưỡi họng, thậm chí là gây buồn nôn, nôn… nguy cơ xuất huyết và nhiễm khuẩn, biến chứng, có hại cho thai nhi.
Những lưu ý khi ăn vải
Điều thú vị là chính bản thân quả vải đã có chứa chất phòng chống những tác hại của nó. Ví dụ, khi ăn vải nếu ăn cả lớp màng trắng (là lớp màng mà bóc vỏ ngoài ra chúng ta nhìn thấy bọc bên ngoài cơm vải) sẽ không bị nóng trong người. Lớp màng trắng đó có hơi chát, khi ăn đến cơm vải ta sẽ cảm thấy cơm vải càng ngọt hơn. Sau khi ăn vải xong nên ăn luôn cả phần trắng trên đầu hạt vải, như vậy cũng có thể phòng tránh được sinh hỏa.
Nếu không muốn ăn lớp màng đó, bạn nên uống trà thảo mộc lạnh, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh, nước rau má… hoặc cũng có thể ăn 20 - 30g thịt nạc, uống nước canh xương… trước khi ăn vải, làm như vậy có tác dụng phòng trừ sinh hỏa.