Nhiều người cùng mắc ung thư trong 1 gia đình: BS chỉ ra thủ phạm

Theo các chuyên gia, ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến và có yếu tố gia đình, đặc biệt là những gia đình có 2 người cùng mắc bệnh này cần được sàng lọc sớm.

  

Nhiều anh em cùng mắc bệnh

Trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị. T (59 tuổi, địa chỉ: Yên Sơn – Tuyên Quang) đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ là điển hình. Bà T. phát hiện ung thư từ năm 2018. Khi đó bà thấy xuất hiện khối u ở sườn phải, sủi bụng nhiều ngày kèm theo đi ngoài phân lỏng.

Bà đến bệnh viện khám, qua nội soi đường tiêu hóa các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư đại tràng và có chỉ định phẫu thuật. Sau 2 năm điều trị, trải qua 12 đợt hoá trị hiện tại sức khoẻ bệnh nhân ổn định.

Điều đặc biệt, bà T. và nhiều anh chị em trong gia đình cùng mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Bà T. cho biết trước đây mẹ của bà cũng mắc bệnh này và qua đời. Sau đó bà T. em trai, em gái cùng mắc bệnh và đã điều trị.

Nhà bác ruột của bà T. về phía mẹ cũng có 4 người mắc ung thư đại trực tràng đó là bác trai của bà và 3 người con khác. Như vậy, hai thế hệ của gia đình bà T. có 8 người cùng mắc một bệnh ung thư đại tràng.

Nhiều người cùng mắc ung thư trong 1 gia đình: BS chỉ ra thủ phạm - 1

Ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền

Bà T., cho biết mẹ bà qua đời ở tuổi 68 vì ung thư đại tràng nhiều năm trước. Em gái ruột phát hiện ung thư đại tràng hai năm trước đã mổ hai lần và điều trị hóa chất, hiện tại sức khỏe ổn định và không còn tế bào ung thư.

Em trai ruột với biểu hiện gầy yếu, da xanh, vàng nhưng không khám sức khỏe, tình trạng kéo dài ba bốn năm đến khi quá yếu gia đình đưa đi khám tại bệnh viện Trung ương phát hiện ung thư đại tràng. Qua quá trình điều trị tích cực hiện tại sức khỏe đã ổn định trở lại.

Bệnh di truyền

TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K cho biết có khoảng 5% người mắc ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene. Tỷ lệ ung thư đại trực tràng di truyền ở các nước phương Tây lên tới 30%. Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này chiếm khoảng từ 2% tới 5% tổng số ca mắc bệnh ung thư. Tại bệnh viện K cũng ghi nhận trường hợp gia đình có 07 người ở 03 thế hệ đều mắc ung thư đại tràng.  

Đó là trường hợp của gia đình ông Phạm Duy V. 52 tuổi, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, Hải Dương từng điều trị tại Bệnh viện K trung ương cũng tương tự. Gia đình ông V. có 4 người anh em trai và 5 chị em gái thì có tới 7 người mắc ung thư đại tràng, chỉ còn duy nhất 2 người em út được số phận may mắn mỉm cười. Mẹ ông V. cũng qua đời bởi"ung thư đại tràng. 5 người anh chị em còn lại hiện tại vẫn đang tiếp tục điều trị và tái khạm tại bệnh viện K.

Các chuyên gia Bệnh viện K cho rằng với những trường hợp trên không loại trừ khả năng mang gen di truyền nên cả gia đình đều mắc ung thư đại tràng.

Thủ phạm gây ung thư đại tràng cho các thành viên trong gia đình là những người có hội chứng đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP). Đây là di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường gồm rất nhiều polyp trong lòng đại trực tràng(>100), phần lớn ung thư hóa trước 40 tuổi.

Ngoài ra, còn có hội chứng Lynch, hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner…

Bác sĩ bệnh viện K khuyến cáo, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình. Họ có thể thực hiện phương pháp để sàng lọc ung thư đại tràng sớm bao gồm: Tầm soát sàng lọc sớm bằng xét nghiệm CEA, Tìm máu ẩn trong phân (FOB) nên làm hàng năm. Nội soi đại trực tràng hoặc chẩn đoán hình ảnh (siêu âm và CT).

Bác sĩ bệnh viện K cũng khuyến cáo tầm soát phòng chống ung thư đại trực tràng là việc làm quan trọng đặc biệt trong gia đình có người mắc căn bệnh này. Một số yếu tố sau giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này: 

Không sử dụng các loại thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.

Thường xuyên tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng hợp lý. 

Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói…), ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. 

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe.