Những ai dễ có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi.

Ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến) là bệnh lý ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt, gặp ở nam giới, đặc biệt là độ tuổi trên 50.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2020, ở nam giới, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mới mắc các loại ung thư trên toàn thế giới với hơn 1,4 triệu ca.

Ở Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ mắc với 6.248 ca mắc mới ở nam giới.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi.

Các trường hợp phát hiện bệnh sớm chủ yếu phát hiện trong quá trình đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm thấy các tổn thương vôi hóa ở tuyến tiền liệt hay các trường hợp đi khám do các triệu chứng đái ra máu, bí tiểu, tiểu nhiều trong đêm…

Đáng lưu ý, ở các nước phát triển, ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện sớm. Tại Việt Nam, có tới 80%-85% bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có tổn thương di căn xương.

Theo chuyên gia, bệnh này hoàn toàn có thể phát hiện sớm được nhưng chúng ta cũng chỉ phát hiện trên đối tượng nguy cơ cao, rất cao gây bệnh. Ung thư tuyến tiền liệt phát hiện sớm có tiên lượng tốt. Ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa được, không làm giảm chức năng sinh lý của nam giới.

Trong khi nếu phát hiện muộn có tổn thương di căn xương, tổn thương di căn hạch, tổn thương di căn khác như phổi, gan… Lúc này, người bệnh phải điều trị vất vả, tốn kém, chi phí điều trị lớn và hiệu quả không cao.

Tuy nhiên ung thư tuyến tiền liệt mặc dù giai đoạn muộn nhưng vẫn có tiên lượng tốt hơn so với ung thư khác.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ung thư tiền liệt tuyến hiếm khi xảy ra với những bệnh nhân dưới 40 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất ở độ tuổi trên 50 đến 65 tuổi. 

Ngoài những yếu tố trên, một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên các bằng chứng khoa học cụ thể thì vẫn chưa được đưa ra, những yếu tố nguy cơ đó bao gồm: chế độ ăn (ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau), bèo phì, hút thuốc, mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt, tiếp xúc với hóa chất, thắt ống dẫn tinh…

Ung thư tiền liệt tuyến được chi thành 4 giai đoạn

Giai đoạn I: Tế bào ung thư chỉ khu trú ở tuyến tiền liệt, kích thước tiền liệt tuyến không to hơn so với kích thước bình thường.

Giai đoạn II: Tế bào ung thư vẫn ở tuyến tiền liệt nhưng đã phát triển, kích thước tuyến tiền liệt phình lớn, lúc này đã có thể phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bằng các phương pháp xét nghiệm PSA và thăm khám trực tràng.

Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã lây lan sang các cơ quan bên cạnh tuyến tiền liệt như túi tính, cơ thắt niệu đạo, trực tràng, bàng quang…

Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã lây lan sang hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa khác như gan, phổi…