Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, tại Công văn số 1179/BHXH-TST gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nêu rõ, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Trong đó, có 2,537 triệu người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.
Nhóm đối tượng này chủ yếu tập trung ở các địa phương như: Bắc Giang (331 nghìn người tham gia); Nam Định (219 nghìn người tham gia); Hà Tĩnh (257 nghìn người tham gia); Hà Nam (195 nghìn người tham gia), Ninh Bình (155 nghìn người tham gia), … là những tỉnh có hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước với mức hỗ trợ 20% cho người tham gia.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương ngân sách chưa hỗ trợ thêm ngoài mức quy định của Nhà nước, nên chưa có người tham gia BHYT theo nhóm đối tượng này, như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Bình Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Thực tế triển khai các chính sách an sinh xã hội cho thấy, trong những năm qua, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng đồng hành cùng người dân khi ốm đau, bệnh tật để tiếp tục cuộc sống.
Việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT nêu trên sẽ tạo thuận lợi giúp cho ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, góp phần hoàn thiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.