Các tỉnh Nam bộ đang trong mùa mưa, độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi, gây bệnh cho con người.
ThS.BS.CKI Đỗ Trúc Anh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao gây căng thẳng cho cơ thể, ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ, dễ mắc các bệnh theo mùa hơn người bình thường.
Dưới đây là một số bệnh người tiểu đường thường gặp trong mùa mưa.
Bệnh về da
Trong mùa mưa, vi khuẩn dễ lây nhiễm qua nước, xâm nhập vào cơ thể khiến người tiểu đường mắc bệnh về da. Điển hình là bệnh nước ăn chân do nhiễm nấm Candida và Blastomyces. Nếu người bệnh ngâm tay chân trong nước lâu, làm tổn thương các kẽ ngón chân. Nếu không điều trị kịp thời có thể bị loét lan rộng, nhiễm khuẩn. Một số bệnh về da dễ gặp trong mùa mưa khác như viêm da mủ, nấm, ghẻ...
Nếu hệ miễn dịch của người bệnh suy yếu, kèm đường huyết cao làm cho vết thương lâu lành, dễ gây nhiễm trùng nặng, biến chứng bàn chân tiểu đường.
Sốt rét, sốt xuất huyết
Mưa liên tiếp nhiều ngày hình thành các vũng nước đọng, tạo môi trường sinh sản cho muỗi. Muỗi Anopheles thường mang theo virus sốt rét, có thể lây nhiễm bệnh ở người. Không chỉ người tiểu đường, người bình thường cũng có khả năng cao mắc bệnh sốt rét trong mùa mưa.
Sốt xuất huyết cũng dễ gặp hơn trong mùa mưa. Bệnh do virus Dengue gây ra, lây lan chủ yếu do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Theo bác sĩ Trúc Anh, người tiểu đường bị sốt rét và sốt xuất huyết thường nghiêm trọng, dễ diễn tiến nặng và biến chứng hơn so với người không mắc bệnh tiểu đường. Bởi họ có hệ miễn dịch yếu, đường huyết cao làm tăng nguy cơ viêm, biến chứng.
Mưa gây ngập đường ở TP HCM. Ảnh: Đinh Tiên
Cảm cúm, cảm lạnh
Cảm cúm, cảm lạnh thường có xu hướng tự khỏi trong 7-10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường bị cảm cúm, cảm lạnh gặp rủi ro cao hơn người có vấn đề sức khỏe mạn tính khác. Người bệnh tiểu đường có đường huyết cao, cản trở khả năng chống nhiễm trùng của tế bào bạch cầu, có thể diễn biến nặng hơn. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên tiêm phòng cúm mỗi năm.
Viêm mắt
Mưa nhiều làm nguồn nước bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho virus phát triển, bao gồm virus gây viêm mắt. Theo bác sĩ Trúc Anh, người tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường. Phần lớn do đường huyết không được kiểm soát đúng cách, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Để phòng bệnh do thay đổi thời tiết, giao mùa, người bệnh tiểu đường nên bảo vệ sức khỏe bằng cách kiểm soát đường huyết đúng cách, tập luyện thể dục thường xuyên. Bổ sung vitamin C và các khoáng chất cần thiết giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Người bệnh tiểu đường cũng nên tránh tiếp xúc với nước ngập, nước mưa nhiều, không để muỗi chích và không đến vùng có nhiều người bị sốt rét, sốt xuất huyết. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không tiếp xúc gần với người bị sốt, cảm... để phòng nguy cơ lây bệnh.