Ngủ đủ giấc
Khi chúng ta ngủ, mọi cơ quan trong cơ thể sẽ được thư giãn để tái tạo năng lượng. Đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm sẽ giúp não bộ được nghỉ ngơi, loại trừ căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Những người ngủ không đủ giấc thường có sức đề kháng kém hơn, dễ bị nhiễm bệnh.
Tập hít thở sâu
Tập hít thở sâu thường xuyên có thể giúp cải thiện hoạt động của dây thần kinh phế vị (đây là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, kết nối não và hệ tiêu hóa) từ đó đảm bảo việc tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng tối ưu và cải thiện khả năng miễn dịch.
Tăng cường vận động
Hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại với việc tập luyện bằng cách sản sinh ra các tế bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Quá trình này sẽ tiếp diễn nếu bạn tập thể dục thường xuyên. Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những người tập luyện thể dục đều đặn từ 5 đến 6 ngày/tuần sẽ ít bị cảm lạnh và đau họng hơn 50% so với người không tập.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. (Ảnh minh họa)
Bạn nên bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể như:
- Nghệ: Curcuminoids - thành phần hoạt tính trong củ nghệ có đặc tính chống virus và tăng cường miễn dịch. Sử dụng bột nghệ hay nghệ sống đều rất tốt. Bạn có thể dùng nó với một chút hạt tiêu để các chất dinh dưỡng từ nghệ được hấp thu tốt hơn.
- Quế: Quế có chứa các thành phần chống oxy hóa và đặc tính kháng khuẩn. Bạn có thể thêm quế vào trà, các món ăn hoặc pha bột quế với một ít mật ong tạo thành thức uống vừa ngon, vừa giúp ấm cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.
Gừng có tác dụng giúp chống nhiễm trùng.
- Gừng và chanh: Gừng chứa gingerol giúp chống nhiễm trùng, trong khi đó chanh rất giàu vitamin C, có khả năng thúc đẩy sự hoạt động của thực bào, loại tế bào có nhiệm vụ hấp thụ các vi khuẩn gây bệnh, từ đó giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh hơn. Ngoài chanh vitamin C còn có rất nhiều trong cam, quýt, bưởi. Vì cơ thể không thể lưu trữ vitamin C nên cần phải nạp đều đặn loại vitamin này mỗi ngày.
- Tỏi và củ hành: Đây đều là những nguồn cung cấp các chất kháng virus quan trọng, giúp cơ thể tăng khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, những loại rau củ khác như cà rốt, khoai lang rất giàu beta carotene, chất có khả năng kháng viêm và tăng nồng độ bạch cầu trong máu.
- Lá tía tô: Trong dân gian, tía tô thường được thêm vào cháo cùng với hành để giải cảm bởi loại rau thơm này thực sự có thể thúc đẩy hệ miễn dịch. Ngoài cách thái nhỏ để cho vào cháo chúng ta có thể ăn lá tía tô kèm các món ăn như các loại rau xào, luộc sẽ giúp bạn hấp thụ đầy đủ lợi ích của loại rau này.
- Các chất béo lành mạnh: Một số loại chất béo rất cần thiết cho sự phát triển của tế bào và quá trình sản xuất prostaglandins, hợp chất giúp điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh. Theo chuyên gia chúng ta nên lựa chọn các loại chất béo từ thực vật hơn là các loại chất béo từ động vật.