Tinh hoàn bên cao bên thấp
Nếu bạn phát hiện thấy tinh hoàn của trẻ nhỏ có biểu hiện 1 bên cao, 1 bên thấp hoặc 1 bên sưng to hơn bên còn lại, đặc biệt sưng to hơn khi ở tư thế đứng hoặc ngồi, khi nằm lại xẹp đi thì bạn nên đưa trẻ đến khám càng sớm càng tốt vì rất có thể trẻ đang mắc phải bệnh còn ống phúc tinh mạc.
Sự tồn tại của ống phúc tinh mạc khiến cho các tạng trong ổ bụng như ruột hay mạc nối lớn chạy xuống túi bìu, từ đó tạo nên khối phồng lớn ở bẹn. Với bệnh này sẽ phải can thiệp phẫu thuật để đóng ống phúc tinh mạc, loại trừ nguy cơ bị thoát vị bẹn nghẹt trong tương lai.
(Ảnh minh họa).
Chỉ sờ thấy 1 tinh hoàn trong bìu
Ẩn tinh hoàn, tinh hoàn di động cũng là một bệnh hay gặp. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển vào đúng vị trí trong 6 – 12 tháng sau khi trẻ chào đời. Nếu sau giai đoạn này mà tinh hoàn không về đúng vị trí thì cha mẹ nên cho con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị nếu cần. Tinh hoàn được hạ xuống bìu sớm có thể sẽ giữ được các chức năng của tinh hoàn.
Đau tức đột ngột vùng tinh hoàn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau tinh hoàn, nguy hiểm nhất là “Xoắn tinh hoàn” với các triệu chứng như:
- Trẻ quấy khóc;
- Bìu sưng to;
- Đau rát tinh hoàn (đặc biệt sẽ cảm thấy đau chói khi chạm vào);
- Khó khăn khi đi tiểu, tiểu buốt;
- Một bên tinh hoàn treo cao hơn so với bên còn lại.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa cần được can thiệp kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa, bởi nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến tinh hoàn của trẻ bị tổn thương nặng hơn và gây ảnh hưởng lớn khả năng sinh sản của trẻ, thậm chí là phải cắt bỏ một hoặc cả hai bên tinh hoàn bị xoắn.
Lỗ tiểu lệch
Thông thường, lỗ tiểu sẽ nằm thẳng tại đầu dương vật. Nếu thấy trẻ có lỗ tiểu không nằm tại đầu dương vật hoặc khi đi tiểu nước tiểu ra ở các vị trí khác, không phải đầu dương vật thì bé đang bị lỗ tiểu lệch thấp. Bệnh này cần phẫu thuật để tạo hình, đưa lỗ tiểu lên đầu dương vật.