Tết cổ truyền là dịp để gia đình quây quần, sum họp bên mâm cơm với những món ăn đậm chất ngày xuân như: bánh chưng, nem chua, thịt, giò... Tuy nhiên, để tận hưởng trọn vẹn ngày Tết, mỗi người cần chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng để vừa an toàn cho sức khỏe mà vẫn tận hưởng được trọn vẹn hương vị Tết.
Liên quan đến vấn đề này, TS. BS Lê Thị Hải - Nguyên giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chia sẻ với Người Đưa Tin những lưu ý quan trọng trong ăn uống dịp Tết.
Theo BS. Hải, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật và chế độ ăn “nghèo” rau xanh chính là thủ phạm gây tăng cân – béo phì. Hàm lượng chất béo và đạm trong bữa ăn ngày Tết thường rất cao, một số người không hợp khẩu vị dễ ngấy, ngán.
Đối với trẻ em, ăn nhiều kẹo, mứt, nước ngọt không hấp thụ được dinh dưỡng dễ xảy ra tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, người bị các bệnh do rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh gout, tăng huyết áp, mỡ máu cao…có thể bệnh nặng lên và nguy cơ bị tai biến đột quỵ, thậm chí tử vong.
“Trong dịp Tết, nếu không chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm”, BS. Hải nhấn mạnh.
TS. BS Lê Thị Hải - Nguyên giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Những điều cần lưu ý trong việc ăn uống
Việc ăn uống trong những ngày Tết thường nhiều hơn bình thường, hấp thụ chất đạm và năng lượng cũng nhiều hơn dễ gây mất cân đối trong khẩu phần ăn. Vì vậy, nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng bữa ăn để có chế độ ăn giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe.
“Khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình trong dịp Tết bạn nên tăng cường các món hấp, luộc, hạn chế đồ chiên xào. Ví dụ: thay nem rán bằng món nem cuốn có thêm nhiều rau củ, thay canh măng chân giò bằng món canh rau củ kết hợp các món rau củ luộc,..Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng nhưng cũng chỉ nên ăn một miếng nhỏ, nên ăn bánh hấp hoặc luộc, không nên ăn bánh chưng rán”, BS. Hải chia sẻ.
Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng nhưng cũng chỉ nên ăn một miếng nhỏ.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bên cạnh việc tuân thủ quy tắc 5K phòng chống dịch bệnh thì chế độ ăn đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng. Theo BS. Hải, để đảm bảo sức khỏe và tạo hệ miễn dịch vững chắc thì nên ăn chín uống sôi và hạn chế tối đa các món chiên, nướng.
“Bữa ăn ngày Tết phải đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng bao gồm: đường, đạm, mỡ, chất xơ, khoáng chất, vitamin ở tỉ lệ cân đối, uống đủ nước. Chế độ ăn đảm bảo số lượng vừa đủ no, không nên các bữa liên tiếp nhau. Các bà nội trợ hãy chế biến những món ăn ít dầu mỡ dưới dạng calo thấp. Có nhiều cách để biến những món ăn truyền thống vừa giữ được mùi vị hấp dẫn vừa không hại sức khỏe như hấp, luộc… giúp ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Đồng thời luôn chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm khi chọn lựa, chế biến món ăn.
Trong dịp Tết, chúng ta nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc,cà chua) là nguồn cung cấp betacaroten tiền vitamin A có tác dụng chống các chất oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Nhóm rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng quan trọng cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt lườn gà, thịt nạc, cá , tôm… cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axit amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được cũng là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng quan trọng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
“Ngoài ra, nên bổ sung các loại nước uống, nước ép từ trái cây và rau củ như: Cà chua, cà rốt, bí đao, củ đậu, dưa chuột… Nên uống nước chanh/cam để thanh lọc cơ thể, tiêu hao mỡ thừa hiệu quả và cung cấp các vitamin, khoáng chất rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là người bị cao huyết áp, thừa cân, béo phì”, BS. Hải phân tích.
Các thực phẩm cần hạn chế
Trong ngày Tết, những bữa ăn rất phong phú, đa dạng với nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, người Việt thường có xu hướng chuẩn bị những món ăn đặc trưng và dự trữ thực phẩm cho 3 ngày Tết. Điều này có thể khiến đồ ăn không được tươi ngon, gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Do vậy, để vừa ăn ngon vừa đảm bảo chất lượng, cần chú ý đến thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn và hạn chế các loại thức uống có cồn, thực phẩm dự trữ bảo quản…
Nên hạn chế uống rượu bia (Ảnh minh họa).
Theovị chuyên gia dinh dưỡng, rượu, bia là những đồ uống không thiếu trong ngàyTết nhưng nguy cơ với sức khỏe rất cao nên càng hạn chế uống càng tốt. Mặt khác, khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở cơ quan này. Cho nên chỉ uốngở mức vừa phải, nếu uống quá nhiều sẽ làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút, ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa của cơ thể. Ngoài ra, rượu bia còn là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trong ngày Tết.
Thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, lạp sườn, dăm bông, xúc xích, pate… Các loại thực phẩm này có chứa lượng muối cao không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt với người có bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, lượng mỡ của chúng rất cao và thường chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
“Nhiều năm gần đây, hoa quả sấy trở nên phổ biến trong ngày Tết. Nhiều người tin rằng loại thực phẩm này ít đường và calo nhưng trên thực tế, hoa quả sấy chỉ loại bỏ phần lớn lượng nước nhưng lượng đường còn tồn đọng rất nhiều. Bởi vậy, đây cũng là “thủ phạm” chính gây tăng cân”, BS. Hải cho biết thêm.
Thực đơn bữa ăn ngày Tết tốt cho sức khỏe, tăng cường miễn dịch - Một bát súp khai vị nấm và thịt lườn gà. - Một đĩa thịt gà luộc hoặc hấp. - Một đĩa giò lụa hoặc giò gà cắt mỏng: 100g - Một đĩa nem cuốn rau thịt và tôm. - Một đĩa tôm hoặc cá hấp. - Một bát canh nấm, nấu rau củ và thịt nạc. - Một đĩa rau củ luộc hoặc hấp bao gồm: súp lơ xanh, cà rốt, củ cải, su hào. - Một đĩa salad rau củ hoặc dưa góp, hành muối. |