Vào những ngày này, bánh trung thu đã bắt đầu tràn ngập trên thị trường. Tuy nhiên, chất lượng của mỗi loại sản phẩm lại không giống nhau. Nếu người tiêu dùng mua phải các loại bánh kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi ăn vào rất nguy hiểm cho sức khỏe như bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa…
Các loại bánh nướng, bánh dẻo là thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết trung thu nhưng xét về mặt dinh dưỡng đây không phải thực phẩm bổ dưỡng. Một số người đang các bệnh sau đây cần xem xét có nên ăn loại bánh này hay không.
Những người không nên ăn bánh trung thu
Người có hệ tiêu hóa kém
Những người có khả năng tiêu hóa và hấp thụ kém không nên ăn quá nhiều bánh trung thu vì việc này có thể tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, gây khó tiêu, tiêu chảy và các bệnh liên quan khác.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng cần lưu ý vì bánh trung thu thúc đẩy quá trình bài tiết axit do cơ thể cần tiết ra nhiều axit mới có thể tiêu hóa hết lượng chất béo trong bánh trung thu đã nạp vào. Lượng axit này sẽ làm tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng trở nên tệ hơn.
Người già và trẻ nhỏ
Bánh trung thu có chứa nhiều thành phần đạm. Trong khi đó trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa còn kém và chưa hoàn thiện, nếu ăn bánh trung thu sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dẫn đến chứng khó tiêu sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Ngay cả với những người già cũng tương tự. Vậy nên, người già và trẻ nhỏ cần chú ý không nên ăn quá nhiều bánh trung thu trong một ngày, có thể dẫn đến viêm tụy cấp, đau bụng và các triệu chứng nghiêm trọng khác, thậm chí đe dọa tính mạng.
Người bị dị ứng nổi mụn
Vì là loại bánh có độ ngọt cao nên những người bị viêm da dị ứng, mụn trứng cá và các bệnh về da khác ăn quá nhiều bánh trung thu có thể làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn.
Phụ nữ mang bầu
Đối với những phụ nữ mang bầu nếu ăn quá nhiều bánh trung thu hàm lượng đường quá nhiều trong bánh gây tác động xấu đến bệnh tăng lipid máu, tim mạch, tiểu đường… và có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Chính vì thế để đảm bảo sức khỏe các mẹ cần ăn bánh hết sức chừng mực.
Người bị bệnh tiểu đường
Những người bị thừa cân, tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh dùng bánh trung thu.
Ăn cùng lúc quá nhiều bánh trung thu có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Người bị bệnh về dạ dày, tim mạch, thận
Những người mắc các bệnh như viêm túi mật, sỏi mật, viêm dạ dày, cao huyết áp, cholesterol cao, bệnh nhân tim mạch… không nên ăn bánh trung thu, thậm chí với các loại bánh quá ngọt hay có đậu phộng, các loại hạt khi ăn quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho chức năng lưu thông máu, làm mệt tim thậm chí gây nhồi máu cơ tim.
Còn đối với bệnh nhân bị loét dạ dày và tá tràng, ăn bánh trung thu có thể thúc đẩy bài tiết acid dạ dày làm cho bệnh trầm trọng hơn, việc chữa trị càng trở nên khó khăn. Những loại bánh mặn không thích hợp cho những ai viêm thận vì nồng độ muối cao.
Người đang muốn giảm cân và béo phì
Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường.
Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao. Do vậy, nếu muốn giảm cân thì bạn nên hạn chế hoặc tránh xa món bánh này càng tốt. Cũng như người béo phì không ăn các loại bánh này để tránh tình trạng tăng cân làm tình trạng béo phì trở nên trầm trọng hơn.
Người bị sỏi mật, túi mật
Khi ăn quá nhiều bánh trung thu, bệnh nhân sỏi mật, túi mật có thể bị viêm tụy cấp tính, thậm chí có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Do đó, người bị sỏi mật, túi mật nên cố gắng không ăn bánh trung thu.
Lưu ý khi chọn mua bánh trung thu
Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết đây là thời điểm mà các loại bánh trung thu được bày bán khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên người mua bánh trung thu cần phải cẩn thận lựa chọn các loại bánh đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để chọn được bánh ngon người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các điểm bán buôn và lẻ thuộc hệ thống quản lý trực tiếp của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan Y tế hay có chứng nhận về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Đối với những loại bánh trung thu tươi, bánh cổ truyền thường là không có chất bảo quản nên khi mua về hoặc được người thân biếu thì ăn ngay trong thời hạn sử dụng có ghi trên bao bì để đảm bảo chất lượng.
Một đặc điểm người tiêu dùng cần lưu ý nếu như trong quá trình ăn bánh hoặc cắt bánh ra có mùi, nhân tơi tả hoặc vị có mùi khác chúng ta không nên ăn vì bánh đó có thể bị mốc, hoặc được ngâm tẩm các chất phụ gia không đảm bảo sức khỏe.
Những thực phẩm nên ăn cùng bánh trung thu để tốt cho tiêu hóa
Với bánh trung thu ngọt
Tốt nhất nên thưởng trà sen, trà hoa cúc, trà bạc hà, nước chè xanh loãng với bánh trung thu ngọt.
Với bánh trung thu mặn
Các loại trà ô long, thảo dược rất thích hợp. Các loại trà có axit acetic giúp tiêu hóa, phân giải chất béo không tích tụ trong cơ thể, còn làm lợi tiểu, đào thải lượng đường, béo dư thừa trong cơ thể, làm bánh nở và nhanh đầy bụng nên sẽ không ăn được nhiều.
Rượu vang: Bánh trung thu mặn kết hợp tốt nhất với rượu vang đỏ giàu axit amin, khoáng chất, vitamin, loại bỏ sự béo ngậy. Vị rượu chát nhẹ giảm ngấy, hỗ trợ tiêu hóa.
Ngoài ra có thể ăn kèm với hoa quả, giúp giải ngấy tốt. Các loại quả có vị chua như bưởi, cam, quýt, kiwi, táo… kích thích tiêu hóa, giảm tích mỡ.
Ăn bánh trung thu kèm một bát cháo ngũ cốc nóng bổ sung dinh dưỡng toàn diện, chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa, đốt cháy mỡ vào cơ thể.