Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm.
Sản xuất thử nghiệm 1.000 liều
Trước đó, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Trong đó, Vabiotech nhận tài trợ 8 tỉ đồng để nghiên cứu, phát triển vắc-xin chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm. Vắc-xin được đánh giá trên động vật trước khi thử nghiệm trên người.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, cho biết các nhà khoa học của đơn vị này đã có mặt tại Anh để nghiên cứu sản xuất vắc xin chống Covid-19 theo công nghệ cài đặt gien mà thế giới đang làm. Công nghệ này sử dụng "nguyên liệu" tổng hợp trên cơ sở mẫu gien của virus đã phân lập được trong phòng thí nghiệm từ bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. "Chúng tôi kỳ vọng sau khoảng 12 tháng có thể cho ra lô vắc-xin thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro" - ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, từ năm 2019, Vabiotech và Trung tâm Vi sinh học của Đại học Bristol (Anh) đã thỏa thuận hợp tác trong sản xuất vắc-xin công nghệ cài đặt gien kể trên. Công nghệ này đã được nhiều nhà sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới sử dụng tại hơn 1.000 phòng xét nghiệm và phát triển thành công một số loại vắc-xin.
Việc phân lập thành công virus corona mới mở ra kỳ vọng Việt Nam có thể sản xuất được vắc-xin ngừa SARS-CoV-2. Trong ảnh: Chuyên gia làm việc trong Viện Vệ sinh dịch tễ trung ươngCông nghệ rút ngắn thời gian
Giải thích về công nghệ sản xuất vắc-xin này, ông Đạt cho biết loại vắc-xin mà Việt Nam hướng đến là vắc-xin sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gien. Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc-xin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắc-xin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như SARS-CoV-2.
"Công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam khác biệt so với công nghệ được áp dụng ở các dự án do Liên minh Sáng kiến phòng, chống dịch bệnh (CEPI) tài trợ để phát triển vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Hai trong số ba dự án mà CEPI tài trợ sử dụng công nghệ tổng hợp gien, dựa trên giải mã gien virus của các nhà khoa học Trung Quốc nên có thể đưa ra thử nghiệm trên động vật khá nhanh. Tuy nhiên, với công nghệ này, giai đoạn thử nghiệm và đánh giá trên người lại mất nhiều thời gian hơn, chưa tính được thời gian thương mại hóa vắc-xin. Trên thế giới đến nay chưa từng có vắc-xin nào thương mại hóa được theo các công nghệ tổng hợp gien. Nhược điểm của công nghệ này cũng được các nhà khoa học cảnh báo là không tạo được đáp ứng miễn dịch cao" - ông Đạt lý giải thêm.
Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu vắc-xin bằng cách sử dụng protein hay tổng hợp gien đều là quy trình phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian. Để tạo ra một loại vắc-xin mới cần trải qua rất nhiều giai đoạn nhằm bảo đảm tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắc-xin. Đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro bởi không phải dự án nghiên cứu nào cũng thành công.
Nhiều thách thức
Tại Việt Nam, dù đã có những thông báo thành công trong việc phân lập virus corona mới để hướng đến việc bào chế vắc-xin, song theo GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, công việc này không thể thực hiện trong thời gian sớm. GS Đức Anh cho rằng có thể phải mất 6 tháng đến 1 năm mới có những kết quả ban đầu về hướng nghiên cứu kháng thể để sản xuất vắc-xin.
Các nhà nghiên cứu vắc-xin cho biết gần đây thế giới đã có những bước phát triển lớn trong việc thúc đẩy tạo ra vắc-xin từ những nguyên liệu ban đầu nhưng để vắc-xin lưu hành trên thị trường cần nhiều công đoạn. Hầu hết các chuyên gia cho biết khung thời gian ngắn nhất để phát triển vắc-xin vào khoảng một năm. Theo quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vắc-xin sẽ phải trải qua 6 giai đoạn.
"Đáng lo ngại nhất là vào thời điểm một loại vắc-xin hiệu quả được phát triển hoàn thiện và đánh giá là an toàn để sử dụng thì dịch bệnh đã được kiểm soát. Cụ thể là dù có một số loại thuốc và vắc-xin phát triển nhanh chóng, thử nghiệm trong đợt dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003 đến nay vẫn không được cấp phép" - một chuyên gia cho biết.
Cho dù virus corona đã gây 2 đại dịch (SARS và MERS-CoV) nhưng đến nay vẫn chưa có vắc-xin nào được đưa ra thị trường. Ông Đạt cho biết hiện không thể dự báo trong tương lai có thêm chủng virus corona nào xuất hiện và gây đại dịch ở người hay không. Nhưng nếu tình huống xấu xảy ra là có thêm chủng virus corona mới khi đã có công nghệ vắc-xin, chỉ cần "lắp ráp" phần gien của chủng virus mới thì có thể thế giới sẽ nhanh chóng có vắc-xin mới. "Việc nghiên cứu, phát triển thành công vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ là nền tảng để phát triển các vắc- xin phòng đại dịch sau này" - tiến sĩ Đạt nhận định.
Kỳ vọng vắc-xin "made in Vietnam" PGS-TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng nhóm nghiên cứu phân lập thành công virus corona mới, cho biết việc nuôi cấy một virus có độ ổn định chưa rõ như SARS-CoV-2 là rất khó. Việt Nam rất may mắn có được kinh nghiệm cũng như được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên đã thành công phân lập được virus. "Với kinh nghiệm của Việt Nam trong việc nghiên cứu lựa chọn chủng vắc-xin, hệ thống nuôi cấy phát triển, sản xuất vắc-xin trong nước đã được quốc tế ghi nhận vì đã đạt nhiều thành công, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần sẽ có vắc-xin phòng chống SARS-CoV-2 "made in Vietnam" - bà Mai kỳ vọng. |