Về mặt y học, thụ thai là quá trình từ lúc tinh trùng di chuyển qua âm đạo đi vào tử cung gặp trứng để bắt đầu quá trình thụ tinh cùng với trứng trong ống dẫn trứng. Người phụ nữ mang thai chính là kết quả của quá trình thụ thai thành công.
Giống như sức khỏe sinh sản nói chung, tỷ lệ thụ thai thành công ở mỗi người phụ nữ là khác nhau dù mọi điều kiện khác đều tương đồng. Tỷ lệ thụ thai thành công cao có thể nói vừa là may mắn nhưng cũng mang lại yếu tố rủi ro. May mắn khi bạn muốn mang thai và sinh con, nhưng cũng luôn phải cẩn trọng, chuẩn bị chu đáo về các biện pháp tránh thai an toàn mỗi khi làm “chuyện ấy” vào thời điểm chưa muốn làm mẹ.
Để làm được được điều này, đầu tiên là bạn cần biết mình có nằm trong nhóm người dễ thụ thai hay không. Những phụ nữ có tỷ lệ thụ thai cao thường có 3 đặc điểm này:
1. Kinh nguyệt đều đặn
Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt thì khả năng thụ thai cũng sẽ thấp hơn và ngược lại. Bởi chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không có một bất thường nào xảy ra cho thấy sự cân bằng hormone, sức khỏe buồng trứng, sự rụng trứng đều bình thường. Ngoài ra còn cho thấy sức khỏe thể chất của người đó tốt, trạng thái tinh thần ổn định. Tổng hòa các yếu tố này dẫn tới khả năng thụ thai cao hơn.
Nữ giới có kinh nguyệt đều đặn dễ mang thai hơn (Ảnh minh họa)
Chưa kể tới, bản thân kinh nguyệt đều đặn cũng giúp chị em phụ nữ dễ dàng hơn trong tính ngày rụng trứng để chọn thời điểm quan hệ tình dục. Từ đó, chủ động quyết định được việc tăng khả năng mang thai hay muốn tránh thai hiệu quả hơn.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến khi bắt đầu ngày đầu của chu kỳ tiếp theo thường là 25 - 32 ngày. Hành kinh dài 3 - 5 ngày, không đau bụng kinh hoặc cơn đau không dữ dội. Máu hành kinh thường có màu đỏ sậm, không đông gồm máu và các mảnh vụn của niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung, lượng máu mất khoảng 80ml. Nếu thỏa mãn các điều kiện vừa kể trên tức là bạn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, khỏe mạnh và ngược lại thì là rối loạn kinh nguyệt.
Bên cạnh tỷ lệ thụ thai thành công, rối loạn kinh nguyệt còn có thể phản ánh các bệnh phụ khoa, nhất là bệnh về tử cung. Nên tốt nhất là chị em nên đi khám kịp thời và duy trì kiểm tra phụ khoa định kỳ.
2. Không quá béo hoặc quá gầy
Những phụ nữ có cân nặng vừa phải và được duy trì ổn định, không tăng hay giảm quá nhiều sẽ có tỷ lệ thụ thai thành công cao hơn. Bởi cân nặng có liên quan mật thiết đến nội tiết tố (hormone).
Phụ nữ quá nhẹ cân dễ bị thiếu hụt hormone gonadotropin (GnRH) tại vùng dưới đồi, từ đó dẫn đến tình trạng "vô kinh", tức mất kinh nguyệt, không có trứng rụng và không thể thụ tinh. Còn đối với những phụ nữ thừa cân, họ sẽ có mức estrogen cao hơn bình thường, có thể dẫn đến ngừng chu kỳ kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, tiểu đường, giảm ham muốn… không tốt cho cả việc thụ thai và sinh nở. Đặc biệt là làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi. Quá gầy cũng mang lại nhiều nguy hiểm tương tự, khiến mẹ và thai nhi đều ốm yếu, thiếu chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ sảy thai hoặc/và dị tật bẩm sinh.
Vì vậy, Tiến sĩ Emily Osman - chuyên gia về sản phụ khoa tại bang New Jersey (Mỹ), cho biết khi một người có chỉ số thể trọng (BMI) quá cao (>25) hoặc quá thấp (<18) thì bị giảm khả năng thụ thai và làm tăng các biến chứng trong thai kỳ. Phụ nữ có chỉ số BMI trong khoảng 19 - 24 được xem là có tỷ lệ thụ thai tốt nhất. Phụ nữ cũng cần giữ cho cân nặng ổn định, không biến động quá nhiều nếu muốn tăng khả năng mang thai thành công.
3. Không bị tử cung lạnh
Chúng ta đều biết tử cung rất quan trọng trong quá trình thụ thai và mang thai của phụ nữ. Những người phụ nữ bị chứng tử cung lạnh sẽ có tỷ lệ thụ thai kém, thường bị hiếm muộn hoặc vô sinh.
Những phụ nữ bị tử cung lạnh thường đau bụng kinh dữ dội, mệt mỏi mỗi kỳ “rớt dâu” (Ảnh minh họa)
Hiểu theo cách đơn giản, tử cung lạnh là tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, mạch máu tử cung co thắt lại khiến tử cung thiếu máu nuôi, gây khó rụng trứng và thụ thai thành công. Đặc biệt, trong tử cung lạnh, lớp lót tử cung không đáp ứng thích hợp với hormone dương hay progesterone. Mạch máu cung cấp cho tử cung co thắt lại và khiến tử cung thiếu máu.
Phụ nữ bị tử cung lạnh thường có kinh nguyệt bất thường (thường làm chậm kinh, vô kinh) tay chân lạnh, đau bụng dưới, đau bụng kinh dữ dội và có thể thuyên giảm bằng làm ấm bụng. Thường tiểu nhiều ban đêm, tiêu hóa kém, bị ra máu trước kỳ kinh sau đó ngừng hẳn rồi mới có kinh nguyệt, đau lưng dưới nhiều khi hành kinh…
Có nhiều nguyên nhân gây tử cung lạnh. Bao gồm thân nhiệt vốn thấp, thường xuyên ăn uống đồ lạnh, giữ ấm cơ thể kém, bị cảm lạnh hay ướt mưa, đi bơi trong ngày hành kinh, ngồi trên sàn nhà lạnh hoặc ướt…
Những đặc điểm kể trên tuy không thể chính xác 100% trong mọi trường hợp nhưng rất hữu ích để nữ giới hiểu rõ cơ thể. Có những sự chuẩn bị kỹ càng khi muốn mang thai hoặc phòng tránh thai an toàn. Nếu muốn có lời khuyên tốt nhất cho bản thân, vẫn nên tìm tới bác sĩ chuyên khoa nhé!
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, Healthline