Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Ánh Tuyết (17 tuổi) đang là học sinh lớp 12 ở Hà Nội. Mới đây, khi ra nhiều khí hư ở âm đạo, kèm theo cảm giác ngứa ngáy, Tuyết được mẹ đưa đi khám phụ khoa. Mẹ nữ sinh cho biết, trước khi đưa côn đi khám, chị chỉ nghĩ đơn giản con gái ở tuổi đang phát triển nên vùng kín ra khí hư nhiều, hoặc do không vệ sinh cẩn thận nên bị viêm nhiễm.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) - người tư vấn trực tiếp cho nữ sinh này chia sẻ, khi tiếp nhận và khám, anh phát hiện nữ sinh có dấu hiệu mắc bệnh phụ khoa nên đã khai thác tiền sử để có thêm thông tin trước khi chỉ định làm xét nghiệm sâu hơn.
Nữ sinh chia sẻ, từng quan hệ từ năm lớp 8 và có 4 bạn trai nhưng chưa bao giờ dùng bao cao su. (Ảnh minh họa)
“Khi tôi hỏi "cháu từng quan hệ tình dục chưa", nữ sinh cho biết đã "nếm mùi" từ năm lớp 8 và trải qua 4 bạn trai nhưng chưa hề dùng bao cao su vì tin tưởng khi đối tác nói sẽ xuất tinh ngoài. Nữ sinh còn chia sẻ, bản thân không hề lo bị bệnh lây qua đường tình dục hay HIV vì những chàng trai mình từng qua lại đều khẳng định không mắc bệnh gì và chỉ yêu duy nhất một mình cô. Nghe đến đây cả tôi và người mẹ vừa giận, vừa sốc. Hóa ra, bấy lâu nay nữ sinh này đã phòng bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai bằng niềm tin”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo bác sĩ Thành, trường hợp nữ sinh trên cũng là thực trạng chung của giới trẻ hiện nay, khi các em luôn đòi hỏi sự tự do trong yêu đương nhưng lại không có trách nhiệm về hành động của mình. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh lây qua đường tình dục phải điều trị, hay điển hình nhất là gần đây liên tiếp những bé gái 13, 14 tuổi đã mang bầu và sinh con. Do vậy, việc giáo dục giới tính trong trường học là rất quan trọng.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội thì việc kiểm soát con trước các thông tin xấu trên mạng sẽ càng khó khăn hơn. Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh vừa qua, trẻ phải học online hay các môn học đòi hỏi phải trực tuyến ngày càng nhiều. Điều này làm cho các con tiếp cận với các nguồn thông tin “đen” dễ dàng hơn, trong khi bố mẹ không hề hay biết.
“Mới đây khi nói chuyện về sức khỏe giới tính cho học sinh lớp 5, tôi có hỏi riêng các bé trai thì có đến 80-90% các em cho biết, bản thân đã xem phim người lớn hoặc nhìn thấy bạn xem phim này và tụ tập cùng xem”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Đáng nói, ngoài việc chủ động tiếp cận “phim đen”, các con cũng xem rất nhiều video nóng trên mạng xã hội một cách thụ động, khi cứ mở máy tính ra là hình ảnh, video hở hang hiển thị ngay trước mắt. Do vậy, việc quản lý vấn đề này cũng là bài toán đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Tóm lại, để hạn chế được việc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn, bác sĩ Thành cho rằng, thay vì cấm các con yêu đương, quan hệ tình dục thì cần giáo dục trẻ cách bảo vệ an toàn. Theo đó, các phụ huynh cần nhìn thẳng vào sự thật, chia sẻ thẳng thắn với trẻ về cách phòng tránh bệnh, cách tránh thai an toàn. Không nên nói bóng gió hay cấm đoán.
Về phía nhà trường, phải phối hợp cùng các đơn vị, chuyên gia về sản phụ khoa, giáo dục giới tính để tuyên truyền, hướng dẫn học sinh về tình dục an toàn. Khi đó, từ các kinh nghiệm khám bệnh hàng ngày, các chuyên gia có thể giúp trẻ hiểu rõ về hậu quả nếu như quan hệ tình dục thiếu an toàn qua những trường hợp thực tế.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi