Phát hiện “bom hẹn giờ ung thư”, liên quan đến gan nhiễm mỡ

Nghiên cứu từ Trường Y khoa - Đại học California ở San Diego (UCSD - Mỹ) đã làm sáng tỏ cách mà bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển thành ung thư gan

Công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature, nhóm tác giả UCSD cho biết họ đã khám phá một quá trình đóng vai trò "bom hẹn giờ" đối với bệnh ung thư gan, thúc đẩy sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ thành ung thư.

Đó là sự tương tác phức tạp giữa quá trình chuyển hóa tế bào và tổn thương DNA, giúp mở ra các con đường mới trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư gan, gia tăng hiểu biết về nguồn gốc của ung thư cũng như tác động của chế độ ăn uống đến DNA.

Theo Medical Xpress, tỉ lệ mắc dạng ung thư gan phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) đã tăng 25-30% trong 2 thập kỷ qua, chủ yếu do sự gia tăng của bệnh gan nhiễm mỡ.

Khoảng 20% số người mắc bệnh gan nhiễm mỡ có dạng bệnh nghiêm trọng, được gọi là viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa (MASH), làm tăng đáng kể nguy cơ mắc HCC. Nhưng vì sao MASH dễ dẫn đến HCC vẫn chưa được hiểu rõ.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên chuột và mẫu mô người. Họ nhận thấy chế độ ăn gây ra MASH - giàu chất béo và đường - đồng thời gây ra các tổn thương DNA ở tế bào gan, khiến chúng sớm chuyển sang trạng thái lão hóa.

Lão hóa là trạng thái mà các tế bào tuy còn sống nhưng không thể phân chia, vốn là phản ứng bình thường đối với các tác nhân gây căng thẳng.

Ở điều kiện tốt, lão hóa cho cơ thể thời gian để sửa chữa tổn thương hoặc loại bỏ các tế bào bị tổn thương trước khi chúng được phép sinh sôi rộng rãi hơn và thành ung thư.

Tuy nhiên, đó không phải là những gì xảy ra trong tế bào gan: Một số tế bào gan hư hỏng vẫn sống sót qua quá trình này.

TS Michael Karin từ Trường Y khoa UCSD gọi các tế bào sống sót này là "bom hẹn giờ". Chúng có thể bắt đầu sinh sôi bất cứ lúc nào và trở thành bệnh ung thư.

"Các phân tích toàn diện về DNA khối u chỉ ra rằng chúng bắt nguồn từ các tế bào gan bị tổn thương do MASH, nhấn mạnh mối liên hệ trực tiếp giữa tổn thương DNA do chế độ ăn uống và sự phát triển của ung thư" - PGS-TS Ludmil Alexandrov, cũng từ UCSD, giải thích.

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của "bom hẹn giờ ung thư" có thể do chế độ ăn nhiều chất béo dẫn đến mất cân bằng trong các nguyên liệu thô mà tế bào của chúng ta sử dụng để xây dựng và sửa chữa DNA.

Vì vậy, nhóm tác giả cho rằng có thể sử dụng thuốc hoặc hóa chất dinh dưỡng để điều chỉnh sự mất cân bằng này, ngăn ngừa hoặc đảo ngược tổn thương DNA.

Một ý tưởng khác là phát triển các chất chống oxy hóa mới, hiệu quả và đặc hiệu hơn nhiều so với những chất chúng ta có hiện nay, nhằm ngăn chặn hoặc đảo ngược căng thẳng tế bào gây ra tổn thương DNA ngay từ đầu.