Hơn 5000 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý phòng tránh và nhận biết bệnh kịp thời

Dịch tay chân miệng đang có chiều hướng lan rộng ở nhiều tỉnh thành nhưng bạn đã biết hết các dấu hiệu của bệnh khi xảy ra ở trẻ chưa?

Mới đây, Bộ Y tế đã cập nhật trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay. Kết quả cho thấy, cả nước ghi nhận 5.545 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong tại Bình Thuận. Bộ Y tế cũng nêu rõ, đây là căn bệnh lưu hành tại Việt Nam quanh năm, có thể lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp hầu hết ở nhiều tỉnh thành.

Trong thời gian tới, dự báo dịch tay chân miệng vẫn có xu hướng gia tăng do nguy cơ lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ hoặc chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bên cạnh đó, việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... tăng mạnh sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát nên cũng dễ làm nguy cơ dịch tay chân miệng lan rộng.

Tại buổi "Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019", Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có 3 loại bệnh gia tăng nhiều trong mùa hè là sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não Nhật Bản.

Hơn 5000 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý phòng tránh và nhận biết bệnh kịp thời - Ảnh 1.

Tay chân miệng là một căn bệnh do virus đường ruột gây ra, nó lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng hay phân của người nhiễm virus. Đây là căn bệnh thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, nhưng hiện tại số người lớn mắc phải căn bệnh này đang ngày càng gia tăng.

Mỗi năm, tại thời điểm bùng phát dịch tay chân miệng (thường tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm) thì các bệnh viện trên cả nước đều ghi nhận một vài trường hợp người lớn cũng đã mắc phải căn bệnh này. Trong năm 2016, trường Đại học Florida (Mỹ) còn ghi nhận được 15 ca mắc bệnh tay chân miệng. Điều này càng khẳng định rằng, căn bệnh này hoàn toàn có thể lây lan giữa những người ở độ tuổi trưởng thành.

Trước tình hình dịch tay chân miệng lại bắt đầu hoành hành, bạn nên chủ động nắm rõ một vài thông tin quan trọng liên quan tới căn bệnh này.

Có những dấu hiệu gì để nhận biết bệnh tay chân miệng xuất hiện ở trẻ nhỏ?

Virus gây ra bệnh tay chân miệng thường lây lan rất nhanh và có thể truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng hoặc qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ mắc bệnh. Đôi khi, trẻ không mắc bệnh nhưng lại cầm nắm đồ chơi, hay chạm vào các vật dụng của trẻ có bệnh cũng sẽ làm lây nhiễm bệnh. Có 3 giai đoạn giúp bạn nhận biết bệnh tay miệng xuất hiện ở trẻ nhỏ như sau:

1. Giai đoạn ủ bệnh (3-6 ngày): Trẻ xuất hiện nhiều đốm nhỏ li ti ở chân, tay. Có thể có cả vết nhiệt ở miệng.

Hơn 5000 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý phòng tránh và nhận biết bệnh kịp thời - Ảnh 2.

2. Giai đoạn khởi phát:

- Trẻ biếng ăn, miệng chảy nước bọt nhiều, hay bị đau họng.

- Trẻ có tổn thương, đau rát ở răng và miệng.

- Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc sốt cao (38 - 39 độ C).

- Trẻ bị tiêu chảy tới vài lần trong 1 ngày.

3. Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 - 2 ngày khởi phát bệnh):

- Trẻ bị nổi phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục, chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

- Trẻ bị loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

- Trên mông của những bé sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da.

- Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

Nếu tình trạng bệnh nhẹ thì sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trong trường hợp trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C) kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như nôn ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn, gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.

Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể bị mắc lại bởi bệnh gây ra từ nhiều chủng virus khác nhau.

Người lớn bị lây bệnh tay chân miệng như thế nào?

Vốn sức đề kháng ở cơ thể người lớn thường mạnh hơn nên rất ít khi mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, những trường hợp mắc bệnh lại có thể nguy hiểm hơn cả trẻ nhỏ do thường xảy ra với đối tượng có hệ miễn dịch yếu, từ đó khiến virus bệnh dễ xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể, gây thêm nhiều biến chứng khác.

Hơn 5000 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý phòng tránh và nhận biết bệnh kịp thời - Ảnh 3.

Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý để phòng chống bệnh tay chân miệng với trẻ nhỏ, người lớn cần:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Hơn 5000 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra 6 lưu ý phòng tránh và nhận biết bệnh kịp thời - Ảnh 4.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

https://ahadep.com/hon-5000-ca-mac-tay-chan-mieng-bo-y-te-dua-ra-6-luu-y-phong-tranh-va-nhan-biet-benh-kip-thoi-20220521234824666.chn