Phát hiện một người đàn ông 45 tuổi mắc vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa phát hiện và điều trị kịp thời 1 ca bệnh Whitmore (căn bệnh được đồn đoán là vi khuẩn ăn thịt người).

  

Phát hiện Whitmore qua sàng lọc COVID-19

Tối 25/8, trao đổi với PV, BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết, bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore là một người đàn ông 45 tuổi ở Hòa Bình.

Bệnh nhân có biến chứng sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng. Hiện tại, người đàn ông này đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang được điều trị, chăm sóc tích cực.

Trước đó, bênh nhân nam giới, 45 tuổi khoẻ mạnh với thân hình vạm vỡ, làm việc trong trại nuôi lợn ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang.

Phát hiện một người đàn ông 45 tuổi mắc vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể - 1

Bệnh nhân đã bỏ được máy thở, bỏ được thuốc vận mạch và dừng lọc máu liên tục mà vẫn đảm bảo các chỉ số sinh tồn.

Cứ 3-4 tháng, bệnh nhân mới về thăm gia đình (Tân Lạc, Hoà Bình) một lần. Trong đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 2 này, bệnh nhân cùng những người công nhân khác đã quyết định không về thăm quê và ở lại khu công nghiệp. Công việc hằng ngày của các công nhân ở đây là cho lợn ăn, tắm rửa cho lợn và vệ sinh chuồng trại.

Bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục 3 ngày khi vẫn đang làm việc ở trại nuôi lợn, sau đó khó thở tăng dần nên phải về quê (Tân Lạc, Hoà Bình) để khám bệnh.

Khi nhập y tế cơ sở, bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục, khó thở và tình trạng viêm phổi nặng.

Với tình trạng việm phổi nặng, nhiễm trùng-nhiễm độc và yếu tố dịch tễ không rõ ràng như vậy, y tế cơ sở đã chủ động cách ly bệnh nhân để điều trị và phối hợp với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) của tỉnh, làm xét nghiệm (RT-PCR) sàng lọc COVID-19. Khi chưa có kết quả RT-PCR, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân tiến triển nặng lên, kèm theo tình trạng sốc nhiễm khuẩn nên được hội chẩn chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Khi nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, bệnh nhân được bố trí ở khu vực cách ly, các nhân viên y tế cũng được cách ly tạm thời để điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy gan cấp, tổn thương phổi lan toả 2 bên. Bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ nên không khai thác được yếu tố dịch tễ.

Qua người nhà cũng chỉ biết là bệnh nhân làm công nhân ở trại nuôi lợn trong khu công nghiệp, bị sốt cao 3 ngày thì về quê chữa bệnh. Với tình trạng viêm phổi nặng, cùng với yếu tố dịch tễ không rõ ràng như vậy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã chủ động phòng ngừa COVID-19 bằng cách bố trí khu riêng biệt để điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời phối hợp với CDC của tỉnh để có kết quả RT-PCR trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được chỉ định nuôi cấy máu, cấy đờm để tìm nguyên nhân do vi khuẩn ho vi nấm, được sử dụng kháng sinh phổ rộng, phối hợp kháng sinh, hỗ trợ các tạng suy bằng thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương. Ngay trong đêm, CDC thông báo kết quả RT-PCR âm tính.

Sau đó, BV tiếp tục hội chẩn với CDC để xét nghiệm RT-PCR lần 2 và ngay trong đêm cũng cho kết quả âm tính.

“Yên tâm loại trừ COVID-19, chúng tôi tập trung tìm nguyên nhân gây viêm phổi-sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng. Hai hôm sau, kết quả cấy máu phân lập được vi khuẩn gây bệnh Whitmore (melioidosis) - căn bệnh vẫn được đồn đoán là "vi khuẩn ăn thịt người"”, BS Tình chia sẻ.

Theo BS Tình, ca bệnh này không có gì ngạc nhiên khi môi trường làm việc hằng ngày của bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, chỉ một vết trầy xước nhỏ trên da cũng có thể là nơi xâm nhập của loại vi khuẩn gây bệnh này.

Phát hiện một người đàn ông 45 tuổi mắc vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể - 2

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình luôn chủ động sàng lọc COVID-19.

Cách phòng bệnh Whitmore

BS Tình cho biết, bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore.

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Số ca bệnh Whitmore xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây là do các cơ sở y tế đã cảnh giác hơn đến loại vi khuẩn này; các kỹ thuật nuôi cấy phân lập vi khuẩn Burkholderia pseudomallei ngày càng tiến bộ, hạn chế bỏ sót các ca bệnh.

Để phòng bệnh, người dân nên hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn nước, đặc biệt là những ô nhiễm; trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.