Gần đây, những chia sẻ về quá trình can thiệp y tế để mang thai của nữ ca sĩ - diễn viên Minh Hằng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Được biết, cô và chồng lựa chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) để sinh con đầu lòng.
Vợ chồng Minh Hằng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho quá trình thụ tinh ống nghiệm
Theo video Minh Hằng đăng tải trên mạng xã hội Youtube, sở dĩ cô lựa chọn phương pháp này là vì 2 lý do. Đầu tiên, cô luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Bởi vì cô hiểu rằng ở độ tuổi của mình (nữ ca sĩ - diễn viên sinh năm 1987) thì việc thụ thai cũng như sức khỏe của em bé sẽ gặp một vài rủi ro nhất định. Hơn nữa, việc nuôi con cũng liên quan rất nhiều đến sức khỏe của người mẹ, đồng thời cô và chồng cũng không muốn đợi chờ quá lâu.
Lý do thứ hai là vì Minh Hằng muốn chủ động trong việc mang thai và sinh nở. Bản thân cô vốn là người sống có nguyên tắc và kế hoạch. Cô chia sẻ: người ta nói "sai thì sửa, chửa thì đẻ" nhưng lại không đúng với con người của tôi. Với tôi, mọi thứ phải được sắp xếp trật tự.
Vì vậy, cô và chồng doanh nhân đã gác lại hết công việc, dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc thụ thai nhân tạo. Một thời gian dài, cô phải tiêm kích trứng và thường xuyên lui tới bệnh viện. Dù chủ động tìm hiểu, nữ ca sĩ - diễn viên 35 tuổi vẫn có nhiều cảm xúc bỡ ngỡ, hoang mang.
Bởi vì phương pháp thụ tinh ống nghiệm nghe thì quen tai nhưng tìm hiểu rồi thực hiện mới thấy thật ra có nhiều điều mới lạ. Bản thân Minh Hằng cũng phải nói rằng: "Mình chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm để có thể biết được mọi thứ diễn ra theo trình tự như thế nào nhưng nó lại không như mình nghĩ. Tất cả các trình tự mình trải qua đều bỡ ngỡ".
Đến khi 2 phôi thai được chuyển vào cơ thể cô mới có cảm giác là: "Ồ. Thì ra là đang có một sinh linh đang được sinh sống trong cơ thể của mình”. Từ khi có thai, cô luôn chú tâm từng cử chỉ của mình để giữ gìn cơ thể: "Đi tắm mình cũng sợ, ngồi hay đứng cũng sợ. Thật sự đó là những cảm xúc và cảm giác chỉ có những người trải qua rồi mới hiểu được".
Thụ tinh ống nghiệm là gì và những ai phù hợp
Thụ tinh ống nghiệm là can thiệp y tế điều trị vô sinh - hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay. Trước khi thực hiện, cặp vợ chồng sẽ được chỉ định một số xét nghiệm nhằm kiểm tra, đánh giá chức năng sinh sản và sức khỏe tổng quát. Tiếp đó là khám tiền mê để xem xét người vợ có đủ điều kiện thực hiện quá trình gây mê hay không.
Nếu đáp ứng đủ điều kiện để được điều trị, người vợ quay lại bệnh viện để thăm khám vào ngày 2 chu kỳ kinh kế tiếp. Đây chính là thời gian để các cặp vợ chồng chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, tài chính, sắp xếp công việc… để bước vào quy trình chính thức của thụ tinh ống nghiệm.
Mô phỏng quá trình thụ tinh ống nghiệm IVF
Ở phương pháp này, tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng labo cho tạo thành phôi và sau đó chuyển đến tử cung của người phụ nữ để phát triển thành thai nhi. Một chu trình thụ tinh ống nghiệm đầy đủ mất khoảng ba tuần. Đôi khi, các bước thực hiện được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau hoặc tùy vào sức khỏe của cặp vợ chồng nên thời gian có thể lâu hơn. Nhưng nhìn chung, quá trình này trải qua 5 bước chính: kích trứng, chọc hút trứng, tạo phôi chuyển phôi, thử thai.
Hiện nay, thụ tinh ống nghiệm được xem là phương pháp phổ biến và hiệu quả cao với các trường hợp sau đây:
- Lớn tuổi, hiếm muộn, sức khỏe kém hoặc muốn mang thai và sinh con một cách chủ động.
- Vô sinh do rối loạn phóng noãn, tắc hoặc tổn thương vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng…
- Vô sinh do các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung.
- Vô sinh do tinh trùng yếu, tinh trùng ít hoặc xuất tinh ngược, không có tinh trùng trong tinh dịch…
- Cặp vợ chồng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm.
- Áp dụng phương pháp bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
- Vô sinh - hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
- Các cặp vợ chồng bị rối loạn di truyền. Nhất là các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.
- Các bệnh nhân bị ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo khác nếu muốn bảo vệ khả năng sinh sản. Khi đó, trứng hoặc tinh trùng sẽ được lấy ra trước khi họ tiến hành điều trị bệnh.
Tỷ lệ thành công và những lưu ý khi làm thụ tinh ống nghiệm
Thống kê cho thấy tỷ lệ thành công khi làm thụ tinh nhân tạo trung bình của thế giới là khoảng 40%, ở Việt Nam tỷ lệ này đạt 40 - 45%. Theo các chuyên gia, thụ tinh ống nghiệm thành công hay không phụ thuộc nhiều yếu tố: trình độ tay nghề bác sĩ, thiết bị kỹ thuật và thể trạng, sức khoẻ, tâm lý người phụ nữ…
Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng lựa chọn thụ tinh ống nghiệm để sinh con chủ động, điều trị hiếm muộn hoặc vô sinh (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nguyên nhân gây hiếm muộn cũng quyết định khả năng thành công của phương pháp này. Những người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thì tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn so với các đối tượng khác. Để tăng tỷ lệ thành công, các cặp đôi cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh hơn như ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, tránh xa rượu bia - chất kích thích, kiểm soát cân nặng…
Ngoài vấn đề chi phí khá cao thì thụ tinh ống nghiệm cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà các cặp đôi muốn thực hiện nó cần lưu ý. Bao gồm:
- Tăng tỷ lệ mang đa thai.
- Tăng nguy cơ chuyển dạ sớm, sinh non và sinh con nhẹ cân.
- Hội chứng quá kích buồng trứng ở nữ giới với triệu chứng như: buồng trứng bị sưng và đau dẫn tới đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Trường hợp nghiêm trọng còn gây tăng cân và khó thở.
- Tăng nguy cơ sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Tăng tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh (mẹ càng lớn tuổi nguy cơ càng cao).
- Người phụ nữ bị tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như: ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng sau quá trình thụ tinh ống nghiệm.
Bên cạnh đó, stress hay thậm chí trầm cảm cũng là một trong những ảnh hưởng tiêu cực mà nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Nhất là đối với các cặp đôi hạn chế về điều kiện kinh tế, quá lớn tuổi, gặp nhiều vấn đề phát sinh khi thụ tinh hoặc đã dùng nhiều phương pháp khác nhưng không hiệu quả, thụ tinh ống nghiệm thất bại nhiều lần.
Một số phương pháp hỗ trợ sinh sản khác ngoài thụ tinh ống nghiệm:
Bản thân thụ tinh ống nghiệm cũng chia ra làm nhiều dạng. Bao gồm thụ tinh ống nghiệm sử dụng hoàn toàn trứng của mẹ và tinh trùng của bố là phương pháp thông thường. Hay thụ tinh ống nghiệm xin noãn, xin tinh trùng, xin phôi từ người khác.
Ngoài ra, thụ tinh ống nghiệm không phải là phương pháp duy nhất giúp các cặp vợ chồng sinh con như ý muốn, điều trị hiếm muộn hoặc vô sinh. Bên cạnh đó còn có các phương pháp khác như:
- Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI): chọn lọc tình trùng tốt nhất ở nam để bơm trực tiếp vào tử cung của nữ sau khi kích trứng để tăng khả năng thụ thai.
- Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI): là tiêm tinh trùng trực tiếp vào noãn sau khi được chọc hút ra ngoài để tạo phôi, sau đó đưa phôi trở lại tử cung để phát triển thành thai nhi.
- Phẫu thuật lấy tinh trùng: áp dụng cho những trường hợp người chồng vô sinh, không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, tắc nghẽn tinh trùng.
- Phương pháp trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM): thực hiện bằng cách chọc hút noãn non sau đó nuôi trong phòng labo. Sau đó lựa chọn tinh trùng khỏe mạnh nhất để tiêm vào tương noãn cho thụ tinh và phát triển thành phôi rồi mới chuyển vào tử cung người phụ nữ.
- Phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng (AH): thường được chỉ định khi bệnh nhân thất bại nhiều lần thụ tinh nhân tạo, mặc dù chất lượng phôi tốt. Hay các trường hợp chuyển phôi trữ lạnh, bệnh nhân ít phôi hoặc lớn tuổi, phôi có lớp màng dày trong suốt bất thường sau khi thực hiện các phương pháp thụ tinh nhân tạo khác.
Nguồn và ảnh: WebMD, Sohu