Rất nhiều người bệnh đã không thể đón một năm mới trọn vẹn
Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, trong những ngày Tết, rất nhiều người bệnh đã không thể đón một năm mới trọn vẹn bên người thân vì phải nằm viện.
Bên cạnh nỗi buồn ấy, họ còn có thêm nỗi lo không có đủ chế phẩm máu để truyền bởi tình trạng thiếu máu không chỉ diễn ra trước và trong dịp Tết mà còn đang kéo dài cả sau Tết.
Bệnh nhân đang truyền hồng cầu. (Ảnh: Công Thắng)
Từ tháng 6/2020, cháu Nguyễn Trung Kiên đã bắt đầu điều trị ung thư máu khi mới vừa tròn 2 tuổi. Hơn nửa năm trời ròng rã nằm viện, truyền hóa chất, đến Tết bố mẹ con chỉ mong sao con được đón một cái Tết trọn vẹn ở nhà.
Đêm mùng 1 Tết, bé Kiên đã bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng rất nhiều. Máu chảy ướt đầm cả ga gối. Không thể chờ đến sáng, bố mẹ con vội vàng gọi xe đưa con từ Vĩnh Phúc xuống Viện Huyết học – Truyền máu TW cấp cứu.
Hơn 1 giờ đêm mùng 2 Tết, cháu bé nhập viện, tiểu cầu chỉ còn 8G/l, mất máu nhiều. Lòng bố mẹ con đứng ngồi không yên, chỉ lo trong những ngày Tết không có máu, có tiểu cầu truyền cho con.
Bác sĩ phải dự trù khối hồng cầu và tiểu cầu gấp. Tại thời điểm này, chính các y bác sĩ tại Viện đã tham gia hiến tiểu cầu, đồng thời trong nhiều trường hợp Viện phải liên hệ trực tiếp, vận động người đến hiến tiểu cầu để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách trong điều trị.
Chị Lý Lở Mẩy (26 tuổi, dân tộc Dao ở Tả Phìn, Sapa, Lào Cai) phát hiện bị bệnh ung thư máu giáp năm mới. Chồng chị phải gửi cô con gái nhỏ cho ông bà, gom góp tiền bạc đưa vợ xuống Hà Nội điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Ngay trong đợt điều trị đầu tiên, cả huyết sắc tố và tiểu cầu của chị đều giảm sâu. Chị bị xuất huyết dưới da, máu bầm tím từng mảng khắp người, khả năng xuất huyết não luôn rình rập.
Chỉ số tiểu cầu của chị Lý Lở Mẩy bị giảm sâu dẫn đến xuất huyết dưới da và đối mặt với nhiều khả năng xuất huyết nguy hiểm khác như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa..(Ảnh: Công Thắng)
Lúc Tết đến, người bệnh cùng phòng, cùng khoa háo hức được ra viện, về nhà đón Tết thì chị phải ở lại viện, trong lòng không nguôi nỗi mong nhớ và lo cho cô con gái nhỏ. Thể bệnh của chị là Lơ-xê-mi cấp thể tiền tủy bào, đây là thể bệnh ung thư máu có cơ hội sống rất tốt vì đã có thuốc điều trị nhắm đích, tuy nhiên nguy cơ chảy máu lại rất cao. Nếu như người bệnh không được truyền chế phẩm máu kịp thời thì dù có thuốc điều trị tốt đến đâu cũng khó có thể cứu sống.
Suốt những ngày điều trị, chị liên tục phải truyền máu. Có những ngày, chị truyền liên tục 4 đơn vị máu. Chỉ tính trong 20 ngày nằm viện (từ 29/1 – 19/2) chị đã nhận tổng cộng gần 50 đơn vị chế phẩm máu (bao gồm cả hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…).
Trong khi đó, trước Tết, dịch bệnh bùng phát trở lại. Viện Huyết học – Truyền máu TW đã phải hoãn 30 buổi hiến máu do các đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu, dẫn tới hơn 8.000 đơn vị máu không thể tiếp nhận theo dự kiến.
Sau Tết, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lại nhận thông tin hoãn thêm khoảng 24 lịch hiến máu từ nay đến hết tháng 3 với dự kiến khoảng 5.000 đơn vị máu. Tuy vậy, nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu cho điều trị vẫn không hề giảm. Viện Huyết học – Truyền máu TW mới chỉ đáp ứng được 70 – 80% dự trù máu từ các bệnh viện.
Ước tính nhu cầu máu cần cho cấp cứu và điều trị trong tháng 2 và tháng 3 của Viện Huyết học – Truyền máu TW là khoảng 50.000 đơn vị máu. Với các lịch hiến máu được duy trì đến thời điểm này thì vẫn còn thiếu khoảng hơn 20.000 đơn vị máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân).
Trên cả nước còn có hàng nghìn người bệnh đang thiếu máu, trong đó có những sản phụ băng huyết sau sinh, những ca cấp cứu… mà chỉ cần truyền máu chậm một chút thôi có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống.
Kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hiến máu
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm gần đây, thay vì chỉ tổ chức hiến máu trong ít ngày tại một địa điểm, Lễ hội Xuân hồng được tổ chức kéo dài tại nhiều địa điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đến tham gia hiến máu, đảm bảo giãn cách cũng như tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Với thông điệp “Hiến máu an toàn – Đừng ngại COVID”, sự kiện năm nay dự kiến vận động được trên 4.000 đơn vị máu.
Người dân tham gia hiến máu.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ trước, trong và sau Tết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tiếp nhận và cung cấp máu, lượng máu dự trữ sụt giảm đáng kể. Trước tình hình đó, Viện Huyết học – Truyền máu TW và nhiều Trung tâm truyền máu, bệnh viện trên toàn quốc đã đồng loạt phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hiến máu.
TS.BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Mỗi khi Viện phát đi thông điệp kêu gọi hiến máu, đã có hàng chục cơ quan, đơn vị và hàng ngàn người dân không ngần ngại đến hiến máu và lan tỏa thông điệp nhân văn của hoạt động này. Tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng và sự phối hợp trách nhiệm của các tập thể trong hoạt động hiến máu sẽ là liều vắc xin quý giá với người bệnh cần máu cũng như mang lại những cảm xúc tốt đẹp đối với mỗi người khi tham gia Lễ hội Xuân hồng năm nay. Thay mặt những người bệnh được nhận máu, tôi vô cùng biết ơn và gửi lời tri ân sâu sắc đến những người hiến máu – những “anh hùng” trong trái tim của người bệnh”.
Lễ hội Xuân hồng lần thứ XIV năm 2021 diễn ra từ ngày 01 – 07/3/2021 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và 3 điểm hiến máu cố định (26 Lương Ngọc Quyến, 132 Quan Nhân và số 10, ngõ 122 đường Láng). Sự kiện do Viện Huyết học – Truyền máu TW, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) Thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức. |