Ảnh minh họa: Internet
Bật quạt thẳng vào người
Nhiều người có thói quen bật quạt xối thẳng trực tiếp vào người, thậm chí không đổi hướng trong một thời gian dài. Cách làm này tuy có thể giúp cơ thể dịu mát nhưng lại rất có hại cho sức khỏe. Ở vùng da được quạt thổi vào liên tục, mồ hôi sẽ bốc hơi nhanh hơn, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, sự bài tiết mồ hôi bị mất cân bằng, gây ra các triệu chứng đau đầu, cảm cúm, choáng váng...
Vì vậy khi bật quạt nằm ngủ, bạn nên để quạt hướng lên tường hoặc trần nhà để không khí lưu thông tốt hơn. Phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt ở tốc độ nhẹ, tốt nhất nên dùng quạt đảo chiều. Khi người có nhiều mồ hôi, bạn nên lấy khăn khô lau sạch rồi bật quạt từ xa để làm mát từ từ chứ không xối thẳng vào người, rất dễ bị cảm lạnh.
Để tốc độ quạt quá cao
Khi nhiệt độ môi trường vượt quá 30 độ C, tức gần bằng với nhiệt độ cơ thể thì gió từ quạt thổi ra cũng là gió ở nhiệt độ cao. Vì vậy, bật quạt ở mức cao nhất sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt da giảm, lỗ chân lông bít lại, mồ hôi không thoát được ra ngoài, cơ thể cảm thấy nóng hơn, dễ dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức và đau lưng.
Do đó, bạn nên tránh để quạt ở tốc độ quá cao, và thay vì để quạt đứng yên tại chỗ thì bạn nên cho quạt quay để tản gió, lưu thông không khí tốt hơn.
Cho quạt vào màn
Mùa hè, chiếc quạt thường được trưng dụng tối đa. Cho quạt vào trong màn khi đi ngủ có thể giúp chúng ta cảm giác mát hơn nhưng ẩn sau đó là nguy cơ tai nạn không thể lường trước. Nếu để quạt vào trong màn ngủ và bật số to có thể gây thiếu oxy cho người ngủ. Điều đó lí giải vì sao bạn cảm thấy ngột ngạt, khó thở khi cho quạt vào bên trong màn.
Để quạt thổi vào một chỗ
Không nên để quạt thổi lâu vào một vị trí cố định trên cơ thể. Quạt điện chủ yếu chỉ dùng để điều tiết khí lưu trong phòng, qua đó gián tiếp làm mát. Để quạt thổi lâu ở một vị trí rất nguy hiểm cho người già và trẻ nhỏ.
Với khí hậu oi, nóng lúc hè về như ở nước ta, nhiều người thường xuyên bật quạt trong thời gian dài để giải nhiệt. Tuy nhiên đấy không phải là cách sử dụng quạt thông minh.
Nếu muốn dùng trong thời gian dài thì nên để quạt ‘nghỉ giữa hiệp’ khoảng 15 - 20 phút rồi hãy tiếp tục sử dụng.
Để quạt thổi trực tiếp vào đầu, mặt
Đầu là nơi hội tụ và giao thoa của dương khí. Khi đầu bị lạnh, nó sẽ ảnh hưởng đến đầu cũng như toàn bộ dương khí của cơ thể. Đầu dễ bị lạnh vì không có quần áo để che chắn, đó là lý do tại sao chúng ta nên sấy khô đầu ngay sau khi gội đầu.
Mặt cũng như vậy, nó có 2 kinh mạch trên mặt không nên bị gió thổi. Một khi cơ thể yếu, rất dễ gây co thắt mạch máu và thậm chí là tê liệt khuôn mặt. Điều này cũng có thể gây thiếu oxy lên não với các biểu hiện làm mặt tái nhợt, khó thở, yếu tay chân, chóng mặt, đổ mồ hôi khi di chuyển, giọng nói nhỏ... do ép phổi, lá lách và thận làm việc quá sức, gây giảm chức năng hoạt động.
Nếu bạn có sức khỏe yếu, bạn chỉ nên để quạt thổi trực tiếp trong một thời gian ngắn, không quá 10 phút. Thay vào đó hãy để quạt thổi vào tường để không khí lưu thông.
Sử dụng quạt khi đổ mồ hôi nhiều
Khi vận động mạnh mồ hôi tiết ra nhiều, các mạch máu đang giãn nở. Nếu bật quạt lúc này sẽ khiến cho quá trình bài tiết mồ hôi bị ngưng trệ gây ra hiện tượng mất cân bằng giữa việc sản sinh ra nhiệt và tán nhiệt của cơ thể, mạch máu bị co đột ngột rất nguy hiểm.
Khi mồ hôi ra nhiều, không nên lập tức bật quạt, vì lúc này mạch máu ngoài da toàn thân đang giãn rộng, đột nhiên bị gió mát thổi tới sẽ co lại, khiến việc bài tiết mồ hôi lập tức ngưng trệ, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể, nhiệt lượng dư thừa không được phát tán ra ngoài rất dễ bị cảm lạnh.
Không thường xuyên lau quạt sạch sẽ
Quạt điện bám đầy bụi bẩn thì sẽ không thể đem lại không khí và làn gió trong lành, mát mẻ cho căn phòng được. Không những thế, nó còn vô tình quạt ra rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn gây hại cho sức khỏe gia đình bạn. Chúng gây nên một số chứng bệnh có liên quan về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm theo mùa hoặc những căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hại khác.
Sử dụng quạt khi vừa đi nắng về
Vừa ở môi trường nhiệt độ cao trở về, cơ thể đang tiết ra mồ hôi, đồng thời các mạch máu giãn nở... việc lập tức ngồi quạt có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Hơn nữa, gió từ quạt cũng có thể khiến quá trình bài tiết mồ hôi bị ngưng trệ, mạch máu co đột ngột vô cùng nguy hiểm, có thể gây cảm lạnh, thậm chí là đột quỵ.
Chính vì vậy sau khi đi nắng về, bạn nên dùng khăn lau khô mồ hôi, rồi bật quạt ở mức nhỏ nhất, sau đó tăng dần.
Vừa tắm xong đã ngồi ngay trước quạt
Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể đang giảm xuống, không nên ngay lập tức ngồi dưới quạt hay điều hòa vì có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu, kéo theo hệ lụy là máu lên não chậm, ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp. Đặc biệt, những người có sức khỏe và đề kháng yếu nếu nằm quạt, điều hòa ngay sau khi tắm sẽ rất dễ gặp tai biến, đột quỵ.
Vừa uống nước đá, vừa ngồi quạt
Mùa nóng, không ít người có thói quen uống nhiều nước đá lạnh và ngồi trước quạt để giải nhiệt nhanh. Tuy nhiên, đây lại là thói quen rất nguy hiểm. Việc uống nước lạnh khi cơ thể nóng rực sẽ khiến dạ dày, ruột co thắt, nhiều nguy cơ bị đau bụng cấp tính.
Thêm vào đó, gió của quạt sẽ khiến thân nhiệt xuống thấp, gây đau họng, cảm sốt, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp... Do đó, khi ngồi trước quạt, tốt nhất bạn chỉ nên uống nước lọc hoặc nước ấm mà thôi.