Lợi ích tuyệt vời của sữa non đối với trẻ sơ sinh
Sữa non là dòng sữa đầu tiên mà trẻ nhận được sau khi sinh ra. Nó còn được gọi với cái tên ý nghĩa là "vàng lỏng" vì có màu vàng và rất bổ dưỡng cho trẻ sơ sinh. Các bà mẹ thường được khuyến khích cho trẻ bú sữa non ngay khi chào đời.
Trong sữa non có chứa nhiều kháng thể giúp nâng cao chức năng của hệ tiêu hóa, đồng thời giúp trẻ nhuận tràng và dễ dàng tống phân su ra ngoài.
Sữa non chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sự phát triển của trẻ
Ngoài ra, trẻ bú sữa non sẽ giúp tăng đề kháng trước một số bệnh nhiễm khuẩn do virus gây ra, bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
Trong sữa non cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi như kẽm, canxi, vitamin A, B6, B12, K giúp trẻ phát triển toàn diện. Thành phần cholesterol có trong sữa non cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh ở trẻ giai đoạn đầu đời.
Mẹ có nên vắt sữa non trước khi sinh không?
Theo một số chuyên gia, vắt sữa non trước khi sinh là hoàn toàn không cần thiết, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới người mẹ. Thực tế, cơ thể mẹ đã bắt đầu tiết sữa non trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, lượng sữa non giai đoạn này rất ít và nếu vắt ra sẽ rất đau và mất sức.
Sau khi sinh, cơ thể người mẹ sẽ tiết prolactin kích thích tạo sữa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con, kết hợp với việc bú mút của trẻ giúp sữa mẹ tiết ra đều đặn và nhanh chóng.
Sữa non được tiết ra trong giai đoạn cuối thai kỳ nhưng lượng sữa rất ít, nếu vắt ra sẽ đau và mất sức
Thêm vào đó, vắt sữa non trước khi sinh có thể gây kích thích đầu vú, khiến hàm lượng chất oxytocin nội sinh tăng, kích thích cơn co tử cung dẫn đến nguy cơ sinh non. Đối với những trường hợp đã từng sinh mổ hay bị nhau tiền đạo, cần lưu ý nếu cơn gò tử cung xuất hiện có thể dẫn tới xuất huyết âm đạo vô cùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nếu không bảo quản đúng cách thì sữa non dễ bị nhiễm khuẩn và biến chất. Nếu trẻ không may uống phải có thể gây nguy hiểm đến hệ tiêu hóa.
Khi nào mẹ nên vắt sữa non?
Vắt sữa non trước khi sinh hoàn toàn không được bác sĩ khuyến khích. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt mà người mẹ phải thực hiện việc này như đang mắc bệnh đái tháo đường type 1, đái tháo đường thai kỳ.
Nguyên nhân là do trẻ được sinh ra bởi bà mẹ mắc chứng bệnh trên có nguy cơ cao bị hạ đường huyết lúc mới chào đời. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc sử dụng phương pháp này về độ an toàn, dinh dưỡng của sữa non được vắt trước khi sinh so với sữa sản xuất sau khi sinh.
Ngoài ra, trường hợp bà bầu không có đầy đủ mô vú, mắc buồng trứng đa nang, đa xơ cứng bì hay có tiền sử phẫu thuật vú; hoặc đối với trẻ được chẩn đoán mắc bị dị tật sứt môi chẻ vòm, dị tật tim mạch trước khi sinh thì người mẹ có thể cân nhắc thực hiện vắt sữa non trước và tích trữ cho trẻ bú.
Vắt sữa non khi mang thai được đồng ý trong một số trường hợp đặc biệt như mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Nếu quyết định vắt sữa non trước khi sinh, thai phụ cần hiểu rõ về khả năng sinh non, nhất là những trường hợp có tiền sử sinh non, người mẹ đang trong quá trình điều trị dọa sinh non, khâu eo tử cung, nhau tiền đạo, có sẵn vết mổ cũ, đa thai.
Bác sĩ cũng khuyến khích các mẹ trong giai đoạn thai kỳ nên tích cực chăm sóc, vệ sinh đầu ti nhẹ nhàng nhằm hỗ trợ việc tiết sữa hiệu quả ngay sau khi sinh, thay vì cố gắng vắt sữa non trước khi sinh - việc làm vừa không cần thiết vừa gây nguy hiểm cho người mẹ. Vắt sữa non trước khi sinh chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hướng dẫn mẹ cách vắt sữa non bằng tay khoa học
Để vắt sữa non, mẹ bầu cần thực hiện theo hướng dẫn:
- Chuẩn bị hộp đựng sạch sẽ, vô trùng để dự trữ sữa non.
- Rửa tay sạch sẽ, sau đó đắp một miếng vải xô ấm lên vú để kích thích sữa chảy ra, hoặc có thể tắm nước ấm trước.
- Mẹ hãy thoải mái, thở nhẹ nhàng và thư giãn vì có thể mất một lúc để kích thích tiết sữa.
- Mẹ bầu xoa bóp vú nhẹ nhàng trong một hoặc hai phút, vuốt từ trên xuống dưới về phía núm vú để kích thích phản xạ nhả vú.
Vắt sữa non bằng tay nên tuân theo quy trình đảm bảo vô trùng
- Trượt các ngón tay và ngón cái về phía trước, dọc theo bầu vú phía núm vú cho đến khi mẹ bầu cảm thấy có một nốt gồ nhẹ dưới da, thường là vùng da sẫm màu xung quanh núm vú. Khi tìm thấy nó, mẹ hãy nhẹ nhàng bóp và thả vú ra để bắt đầu vắt sữa.
- Mẹ sẽ nhận thấy các giọt sữa non bắt đầu hình thành ở núm vú. Sử dụng pít-tông để hút các giọt lên trong ống tiêm. Nếu dòng chảy của sữa non chậm hoặc dừng lại, mẹ hãy xoay tay quanh vú và thử lại.
- Nếu thấy sữa bắt đầu chảy nhiều hơn, mẹ có thể vắt sữa vào hộp đựng vô trùng.
- Vắt cả hai bên vú hai lần trong mỗi phiên và lặp lại phiên này tối đa ba lần một ngày. Mẹ có thể sử dụng cùng một ống tiêm trong ngày, nhưng hãy để trong tủ lạnh giữa các buổi và nên thay một ống tiêm mới vào đầu mỗi ngày.
- Đông lạnh ống tiêm vào cuối ngày (hoặc trong túi đông lạnh nếu ống tiêm không có nắp) và dán nhãn ngày tháng vắt sữa. Sữa non có thể bảo quản trong tủ đông đến 6 tháng.
Khi cần sử dụng sữa non, mẹ có thể rã đông dưới vòi nước ấm hoặc ở nhiệt độ phòng. Sữa non đã rã đông có thể để trong tủ lạnh đến 24 giờ.
Nếu biết thời điểm chuyển dạ hoặc ngày dự định sinh mổ, mẹ có thể vắt sữa non trước một hoặc hai ngày rồi để trong tủ lạnh. Sữa non sau vắt có thể bảo quản ngăn mát và sử dụng trong 48 giờ.