Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt được dùng để mô tả trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, như từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh, hoặc từ nóng tới nóng đột ngột, từ lạnh tới lạnh đột ngột… và đây là trạng thái cực kỳ nguy hiểm có khả năng dẫn tới tử vong.
Lý giải thêm về tình trạng sốc nhiệt, các bác sĩ cho biết sốc nhiệt thường xảy ra khi luyện tập thể thao hoặc lao động nặng nhọc trong môi trường nóng bức mà không uống bù đủ nước.
Nó cũng thường xảy ra trong đời sống bình thường, như khi bạn làm việc trong môi trường có máy lạnh, máy điều hòa được điều chỉnh ở mức thấp, và đột ngột bạn ra môi trường nóng nực bên ngoài thì rất dễ dẫn tới hiện tượng này. Hoặc khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột mà cơ thể chưa kịp thích nghi.
Dấu hiệu và triệu chứng sốc nhiệt thường gặp bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh và nông, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi, dễ bị kích thích, lú lẫn hoặc bất tỉnh, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, đau đầu, buồn nôn, ngất xỉu…
Khi nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và khi đi ngang qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại, cơ thể xảy ra phản ứng tạo ra nhiệt, làm thân nhiệt tăng lên. Ngược lại, khi nhiệt độ quá cao, máu sẽ nóng và các trung tâm giao cảm bị kích thích khiến mạch máu giãn nở, kích thích để ra nhiều mồ hôi giúp hạ thân nhiệt.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột như thế, nhẹ thì có thể khiến cơ thể biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt. Trong trường hợp nặng, có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê và có khi dẫn đến tử vong.
Với những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Đặc biệt đối tượng trẻ nhỏ, người cao tuổi thường là những người bị bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thận hoặc những người dùng các loại thuốc khiến cơ thể dễ bị mất nước nguy cơ sốc nhiệt là rất lớn.
Vì vậy khi thời tiết lạnh đổi đột ngột nếu chúng ta không đề phòng rất dẫn đến đột quỵ, tăng huyết áp, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe…
Đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột
Các bác sĩ khuyến cáo khi nạn nhân bị sốc nhiệt, chúng ta cần đưa ngay tới nơi có nhiệt độ ổn định, nhanh chóng làm ấm cơ thể cho nạn nhân và gọi cấp cứu kịp thời. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống mà cần làm ấm cho nạn nhân và đưa đi cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, để đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, chúng ta cần ghi nhớ những điều sau:
Thứ nhất, giữ ấm cơ thể, nhất là những bộ phận dễ bị lạnh như cổ, tai, mũi, tay, chân, lưng… Đặc biệt, với người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, nhất là trong khoảng thời gian từ 21h tối đến 6h sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang.
Thứ hai, giữ vệ sinh đường hô hấp, bổ sung đủ dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ cần giữ vệ sinh, nhất là đường hô hấp họng, miệng, mũi, hầu để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra. Nên súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Đồng thời, bất kì ai cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên hạn chế ăn uống các đồ lạnh.
Thứ ba, tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh khi đi từ trong nhà ra bên ngoài và tuyệt đối không nên lao ngay ra ngoài khi thời tiết trong nhà và ngoài trời chênh lệch nhau quá nhiều bởi điều này cũng rất dễ gây ra sốc nhiệt.
Thứ tư, tuyệt đối không nên tắm khuya hoặc tắm quá lâu bởi như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thứ năm, tập thể dục trong trời lạnh cũng rất tốt, nhưng quan trọng là cơ thể bạn phải được giữ ấm. Các chuyên gia khuyên bạn nên vận động nhẹ một chút trước khi bắt đầu các hoạt động mạnh mẽ để cơ thể bạn thích nghi với nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột trong thời tiết lạnh có thể là một nguy cơ cho tim.