Kết quả của một nghiên cứu mới, được chia sẻ tại Hội nghị về Ung thư Đường tiêu hóa của Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu năm 2021 chỉ ra rằng, mọi người đặc biệt là những người dưới 50 tuổi, có thể tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết do lạm dụng thuốc kháng sinh.
Thông tin mới này củng cố tầm quan trọng của việc kê đơn thuốc kháng sinh có trách nhiệm và việc nên tầm soát ung thư ruột kết ở những người trẻ tuổi.
Thuốc kháng sinh để trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Vẫn còn tình trạng sử dụng kháng sinh không cần thiết
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC), thuốc kháng sinh rất hữu ích trong việc điều trị một số loại nhiễm trùng. Mặc dù các bác sĩ sử dụng chúng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng chúng không có hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra.
Hơn nữa, kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết, vì đôi khi cơ thể cũng có thể tự ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sử dụng kháng sinh không cần thiết là một mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, CDC đang khuyến cáo việc sử dụng cẩn thận kháng sinh để tránh tác dụng phụ.
Ví dụ, những người dùng thuốc kháng sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng do C. difficile và các loại nhiễm trùng khác có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng lưu ý rằng, thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn hữu ích trong đường tiêu hóa. Để cân bằng những rủi ro này, các chuyên gia y tế cần tránh kê đơn thuốc kháng sinh khi kháng sinh không phải là phương pháp điều trị cần thiết. Hiện tại Hoa Kỳ, các đơn thuốc kháng sinh không cần thiết chiếm tới 30% đơn thuốc kháng sinh ngoại trú.
Theo Tiến sĩ Michael Woodworth, Trường Y Đại học Emory ở Atlanta, GA, một thách thức lớn trong cải thiện việc sử dụng kháng sinh của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là sự hiểu biết lệch lạc về sự cân bằng giữa lợi ích tiềm năng so với những rủi ro. Cải thiện việc quản lý các kháng sinh hiện có là một ưu tiên quan trọng trên toàn cầu trong việc giảm thiểu độc tính tiềm ẩn của thuốc và tránh tình trạng kháng thuốc.
Vẫn còn nhiều đơn thuốc kháng sinh kê không cần thiết.
Tác động của ung thư đại trực tràng
Nhìn chung, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng đã giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, số ca ung thư đại trực tràng ở những người dưới 64 tuổi đã tăng lên.
Có một mối quan tâm ngày càng tăng về sự phổ biến của ung thư đại trực tràng ở những người trẻ tuổi.
Dữ liệu gần đây được xuất bản trên tạp chí Ung thư khuyến nhị, mọi người nên khám sàng lọc ung thư đại trực tràng ở tuổi 45 thay vì 50, để giúp phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh. Điều này nhấn mạnh vào việc phòng ngừa và phát hiện có liên quan đến tác động sức khỏe và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, là nguyên nhân thứ hai tử vong liên quan đến ung thư ở Hoa Kỳ
Các cá nhân có thể giảm khả năng phát triển loại ung thư này bằng cách tránh một số yếu tố rủi ro, ví dụ như uống rượu, sử dụng thuốc là và thiếu hoạt động thể chất…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng liên kết ung thư đại trực tràng với các yếu tố nguy cơ không thể sửa đổi, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử gia đình, di truyền hoặc sự hiện diện của bệnh viêm ruột (IBD). Đây là một số lý do tại sao việc tầm soát sớm là rất quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng.
Một số yếu tố dẫn đến ung thư đại trực tràng vẫn chưa được biết hoặc vẫn đang được nghiên cứu, chẳng hạn như mối liên quan mới này giữa việc sử dụng kháng sinh và ung thư ruột kết. Khi các nhà nghiên cứu điều tra các yếu tố nguy cơ mới đối với ung thư đại trực tràng, việc tầm soát sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Mối liên quan giữa sử dụng kháng sinh và tăng nguy cơ ung thư ruột kết
Có mối liên quan giữa việc lạm dụng thuốc kháng sinh và ung thư đại trực tràng.
Các tác giả của nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu từ các bệnh nhân ở Scotland, phân tích các trường hợp ung thư đại trực tràng khởi phát sớm và khởi phát muộn hơn và phân loại những người dưới 50 tuổibị ung thư đại trực tràng (khởi phát sớm) và những người từ 50 tuổi trở lên bị ung thư đại trực tràng (khởi phát muộn hơn).
Các nhà nghiên cứu đã so sánh tổng số 7.903 cá nhân bị ung thư đại trực tràng với 30.418 cá nhân trong các nhóm đối chứng. Trong số những người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, 445 người dưới 50 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra việc kê đơn thuốc kháng sinh uống và thời gian tiếp xúc với kháng sinh ở những người bị ung thư đại trực tràng và trong các nhóm đối chứng phù hợp. Họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và tăng nguy cơ ung thư ruột kết ở cả hai loại khởi phát sớm và muộn.
Nguy cơ ung thư ruột kết liên quan đến sử dụng kháng sinh khác nhau giữa nhóm khởi phát sớm và nhóm khởi phát muộn. Theo đó, những người bị ung thư đại trực tràng khởi phát muộn hơn có nguy cơ liên quan là 9%. Mối liên quan cao hơn nhiều ở những người bị ung thư đại trực tràng khởi phát sớm, với nguy cơ tăng gần 50%.
Tuy nhiên, nguy cơ này không liên quan đến mọi loại kháng sinh hoặc mọi loại ung thư đại trực tràng. Ở nhóm tuổi trẻ hơn, nguy cơ gia tăng liên quan đến ung thư được tìm thấy ở phần đầu tiên của ruột già và việc sử dụng quinolon và kháng sinh sulfonamid / trimethoprim.
Phát hiện này cho thấy, thuốc kháng sinh có thể có vai trò trong việc hình thành khối u ruột kết ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là ở những người dưới 50 tuổi. Việc tiếp xúc với thuốc kháng sinh có thể góp phần vào sự gia tăng (quan sát thấy) ung thư đại trực tràng khởi phát sớm, đặc biệt là ở đại tràng. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều nghiên cứu tập trung hơn để hiểu rõ hơn liệu kháng sinh có đóng vai trò gây ung thư hay chỉ liên quan đến nghiên cứu này. Nếu được xác nhận, nghiên cứu sẽ cung cấp thêm các lý do để giảm việc kê đơn kháng sinh thường xuyên và không cần thiết, nếu có thể.
* Việc sử dụng kháng sinh đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. * Nghiên cứu mới chỉ ra rằng việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột kết cao hơn, đặc biệt là ở những người dưới 50 tuổi. * Dữ liệu mới này cho thấy, cần giảm việc sử dụng kháng sinh không cần thiết, vì việc lạm dụng kháng sinh có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe… |