Tập luyện trên máy chạy bộ cần lưu ý 5 vấn đề nếu không muốn gặp chấn thương trong quá trình tập

Máy chạy bộ có lẽ là dụng cụ tập luyện thiết thực để bạn có thể rèn luyện sức khỏe ở ngay tại nhà, nhưng nếu không chú ý tới một số điều sau thì nó có thể trở thành "thủ phạm" gây ra những tổn thương xấu trên cơ thể của bạn.

Máy chạy bộ là thiết bị tập luyện tương đối phổ biến mà bạn có thể nhìn thấy trong những phòng tập thể hình. Chỉ với một chiếc máy chạy bộ, bạn đã có thể thiết lập được những bài tập rèn sức bền toàn diện cho cơ thể.

Đặc biệt, máy chạy bộ có thể điều chỉnh được tốc độ chạy và độ dốc khi chạy nên rất tiện lợi cho những ai bận rộn, không có nhiều thời gian tập luyện. Tuy nhiên, việc sử dụng máy chạy bộ không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp chấn thương trong quá trình tập luyện.

Dưới đây là 5 vấn đề khi sử dụng máy chạy bộ mà nếu có mắc phải thì bạn nên sửa đổi ngay!

1. Để tốc độ chạy quá nhanh

Một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị trượt khỏi máy chạy bộ có thể nằm ở việc chỉnh tốc độ chạy quá sức. Khi tốc độ chạy đặt quá nhanh, bạn sẽ rất dễ mất đà và ngã về phía sau. Hậu quả là vùng đầu gối chân sẽ là nơi chịu tổn thương đầu tiên.

Vì vậy, đừng quá ép sức của bản thân mà nên điều chỉnh tốc độ chạy chính xác và phù hợp nhất với cơ thể mình.

2. Không nắm vào tay vịn hai bên thành máy

Ở hai bên của chiếc máy chạy bộ đều có tay vịn để giúp người tập hạn chế những rủi ro xấu. Nếu bạn không nắm vào hai bên tay vịn mà để tốc độ chạy quá nhanh thì nguy cơ cao bạn sẽ dễ bị văng ra khỏi máy.

Tập luyện trên máy chạy bộ cần lưu ý 5 vấn đề nếu không muốn gặp chấn thương trong quá trình tập - Ảnh 2.

3. Ấn nút dừng máy rồi bước ra khỏi máy luôn

Khi bạn nhấn nút "STOP" (dừng) trên máy chạy bộ thì máy sẽ không dừng lại ngay lập tức mà chuyển sang chế độ chậm dần để cơ thể bạn thích nghi. Nếu bạn bước ra khỏi máy chạy bộ luôn thì khả năng cao bạn sẽ bị hụt chân hoặc cơ thể bị lảo đảo, choáng váng do đang quen đà trên máy chạy.

Vậy nên, hãy chú ý khi ấn dừng máy thì nên bước chậm rãi dần trên máy chạy cho đến khi máy dừng hoạt động hoàn toàn thì mới bước xuống.

Tập luyện trên máy chạy bộ cần lưu ý 5 vấn đề nếu không muốn gặp chấn thương trong quá trình tập - Ảnh 3.

4. Chạy quá lâu

Việc chạy quá lâu cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Đừng bao giờ gò ép bản thân phải tập luyện quá sức như vậy, hãy chạy vừa đủ so với cơ thể của mình. Tốt nhất sau khoảng 15 - 20 phút chạy thì nên chuyển sang đi bộ nhẹ để giải lao một lúc.

Tập luyện trên máy chạy bộ cần lưu ý 5 vấn đề nếu không muốn gặp chấn thương trong quá trình tập - Ảnh 4.

5. Bị mất tập trung khi chạy

Trong quá trình chạy, bạn không nên để đầu óc bị phân tâm hay mất tập trung vào một chuyện nào khác. Điều này sẽ gây hụt chân khi chạy và dẫn đến những chấn thương không đáng có ở đôi chân của bạn.

Tập luyện trên máy chạy bộ cần lưu ý 5 vấn đề nếu không muốn gặp chấn thương trong quá trình tập - Ảnh 5.

Nguồn và ảnh: Sohu, Tenor, Weheartit