Nam bệnh nhân N.T.H (16 tuổi - tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) vừa được đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng ý thức chậm, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được. Ngoài ra, bụng bệnh nhân chướng căng, đau khắp bụng, chọc dò dịch ổ bụng ra dịch máu (không có tiền sử chấn thương trước đó).
Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu bị sốc mất máu, chảy máu trong ổ bụng. H được mổ cấp cứu ngay sau đó.
Khi mổ, các bác sĩ thấy trong ổ bụng bệnh nhân có rất nhiều máu tươi, máu cục (khoảng 3,5 lít máu). Kiểm tra đánh giá tổn thương phát hiện thấy nguyên nhân chảy máu là khối u gan hạ phân thùy 5 (gan phải) có kích thước 5x4 cm, nặng khoảng 500g, xâm lấn túi mật.
Bệnh nhân được cắt bỏ khối u gan (khối u xâm lấn một phần nhánh phải tĩnh mạch cửa, gây chảy máu ồ ạt), cắt túi mật, dẫn lưu đường mật. Sau 3 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển phòng hồi tỉnh theo dõi tiếp. Trong và sau mổ, bệnh nhân được truyền tổng cộng 9 đơn vị máu.
Khối u được lấy ra gửi khoa giải phẫu bệnh làm xét nghiệm.
7 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, da niêm mạc bình thường, bụng mềm, vết mổ khô, dẫn lưu ổ bụng đã được rút, trung đại tiện bình thường.
Người trẻ cũng không nên chủ quan
Bác sĩ Ngô Văn Tiến - Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết kết quả giải phẫu khối u của bệnh nhân cho thấy đấy là khối u ác tính ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (HCC).
Trường hợp bệnh nhân H là ca bệnh rất đặc biệt do bệnh nhân còn khá trẻ tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý gì trước đây. Bệnh nhân không đi khám thường xuyên nên khối u gan phát triển âm thầm và gây biến chứng.
Bác sĩ Tiến đưa ra lời khuyên: "Hiện nay, bệnh lý ung thư gặp ở cả những bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức tầm quan trọng của việc thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các triệu chứng, dấu hiệu bất thường để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm và hiệu quả nhất".
Dấu hiệu ung thư gan
Theo chuyên gia ung bướu, ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như:
- Chán ăn;
- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải;
- Chướng bụng;
- Vàng da, củng mạc mắt,…
Bệnh ung thư gan tiến triển tới giai đoạn muộn sẽ có thêm các triệu chứng rõ ràng hơn như:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn;
- Luôn có cảm giác ngứa;
- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Nguyên nhân gây ung thư gan chưa được xác định. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như: Những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C), béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá....
Để phòng ngừa ung thư gan, mọi người cần làm giảm các yếu tố nguy cơ, tiêm phòng vắc xin viêm gan B, kiểm soát tốt các bệnh lý của gan, không ăn đồ ăn mốc, hạn chế rượu - bia thuốc lá. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường thể dục thể thao… Nên đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện các bệnh lý về gan sớm.