Thông thường, khi sử dụng rau quả, chúng ta sẽ bỏ đi phần vỏ của chúng bởi nó có bề ngoài sần sùi, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên dễ dính bùn đất và các chất bẩn. Tuy nhiên, bạn đừng để bề ngoài của phần vỏ đánh lừa bạn.
Thực tế, vỏ của một số loại rau quả thậm chí còn mang lại dinh dưỡng cao hơn phần bên trong của nó. Chỉ cần bạn sơ chế sạch sẽ và chế biến một cách phù hợp, tất cả chỗ rau quả mà bạn mua về sẽ biến thành những món ăn hấp dẫn, không bỏ phí chút nào mà dinh dưỡng bạn hấp thụ được thì lại tăng gấp bội.
Dưới đây là 7 loại rau quả như thế, chúng có lớp vỏ rất giàu dinh dưỡng, tiếc rằng nhiều người không biết vẫn vứt bỏ một cách lãng phí hàng ngày.
1. Vỏ bí ngô giúp trì hoãn sự gia tăng lượng đường trong máu
Hầu hết mọi người đều lột bỏ vỏ khi ăn bí ngô. Có thể bạn chưa biết bí ngô (bí đỏ) sau khi gọt vỏ thì hàm lượng chất xơ không cao, thực tế thì bản thân bí đỏ là thực phẩm có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) cao, cao hơn cả dưa hấu, hạt kê, khoai tây… và ngang hàng với khoai lang.
Nhưng nếu bí đỏ được ăn cả vỏ, thì chất xơ trong vỏ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc trì hoãn sự gia tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn.
2. Vỏ khoai tây có dinh dưỡng tốt cho da
Vỏ khoai tây rất giàu chất xơ có thể làm tăng cảm giác no và kali có thể giúp giảm huyết áp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần cùi gần vỏ của khoai tây chứa tới 80% lượng vitamin, cao hơn nhiều so với phần cùi bên trong của khoai tây.
Do đó, tại sao bạn lại bỏ phí nó và tốn thêm thời gian để gọt sạch, "tống khứ" rất nhiều dinh dưỡng đi trong khi có thể rửa sạch trong vài phút và hấp thụ toàn bộ "chất bổ béo" bên trong củ khoai.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng đừng nên ăn khoai tây khi chúng đã mọc mầm và chuyển sang màu xanh vì nó có độc!
3. Vỏ quả lê làm sạch tim, giữ ẩm cho phổi, giảm nóng trong
Vỏ quả lê là một loại thuốc Đông y có giá trị dược tính cao, có tác dụng thông tim, dưỡng phổi, khử hỏa, sinh tân dịch. Bạn chỉ cần rửa sạch vỏ lê rồi thái nhỏ, thêm đường phèn, hầm cách thủy là đã có 1 bài thuốc hiệu quả để trị ho. Vỏ lê và nước ép lê cũng được người Hàn Quốc sử dụng để làm kim chi trở nên giòn và ngon hơn.
4. Vỏ củ cải có lợi cho gan, cải thiện thị lực và tăng khả năng miễn dịch
Củ cải tốt cho sức khỏe vì có hàm lượng nước cao, ngọt, giòn và ngon. Tuy nhiên, nhiều người ăn củ cải quen với việc gọt sạch vỏ đi, bởi phần vỏ ngoài của nó sần sùi và bám nhiều bùn đất cùng các rễ nhỏ, trông không mấy ngon miệng nhưng đây thực sự là một việc làm cực kì lãng phí.
Vỏ củ cải chứa nhiều carrototin có tác dụng bồi bổ gan, cải thiện thị lực, có tác dụng chữa bệnh quáng gà. Nó cũng rất giàu sulforaphane, có thể thúc đẩy cơ chế miễn dịch của cơ thể và bảo vệ da khỏi tia cực tím.
Cũng giống như các loại rau củ khác, vỏ củ cải có chứa chất xơ thực vật, có tính hút nước mạnh, dễ trương nở trong đường ruột, là "chất làm đầy" trong đường ruột, có thể tăng cường nhu động của đường ruột, từ đó giúp làm rộng ruột và thư giãn nhu động ruột.
5. Vỏ nho làm giảm lipid máu và chống cục máu đông
Trên thế giới có rất nhiều loại nhỏ khác nhau, nhưng với một số người, nhỏ chỉ có 2 loại là nho vỏ giòn và nho vỏ dai. Đối với nho có vỏ dai thì nhiều người sẽ nhổ bỏ.
Tuy nhiên, bạn đừng nên phân biệt như vậy. Dù vỏ nho giòn hay dai thì nó cũng mang lại lợi ích rất tốt cho sức khỏe. Theo quan điểm dinh dưỡng, vỏ nho rất giàu hợp chất polyhydroxy phenolic-resveratrol, có tác dụng hạ lipid máu, chống huyết khối, ngăn ngừa xơ cứng động mạch và tăng cường khả năng miễn dịch.
6. Vỏ táo giúp giảm cân và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ
Gần một nửa lượng vitamin C có trong phần thịt gần với vỏ quả táo, nếu bỏ vỏ thì phần thịt này cũng sẽ bị lãng phí. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit ursolic có trong vỏ táo có thể giúp đốt cháy nhiều calo hơn, duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, vỏ táo còn chứa nhiều cellulose không hòa tan, có tác dụng ngăn ngừa táo bón và giúp hạ lipid máu.
7. Vỏ cà tím ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não
Khi các bệnh về tim mạch và mạch máu ngày càng trở nên phổ biến hơn và xuất hiện ngay cả ở những người trẻ thì bạn càng nên ăn thêm vỏ cà tím.
Tác dụng tăng cường mạch máu đáng khen ngợi nhất của cà tím đến từ vỏ của nó. Vỏ cà tím chứa hầu hết các chất chống oxy hóa anthocyanin trong cà tím, ngoài ra nó còn chứa một hàm lượng cao pectin và flavonoid. Do đó, sẽ thật tiếc nếu mất nó.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, Telegraph