Củ riềng (có tên là phong khương, cao lương khương, tiểu lương khương), ở nước ta, cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được sử dụng làm thuốc.
Vào mùa Thu Đông hoặc sang Xuân trước vụ mưa phùn là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch riềng. Bạn có thể mua riềng về rửa sạch đất, cắt bỏ lá và rễ con, cắt thành từng đoạn, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Củ riềng được thu hoạch nhiều nhất vào vụ Thu Đông hoặc sang Xuân, trước vụ mưa phùn. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia y tế, riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, riềng có vị cay, mùi thơm, tính ẩm vào hai kinh tì và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu hóa thức ăn. Riềng tẩm rượu, sấy khô, rồi tán nhỏ và trộn đều uống chữa đau dạ dày. Củ riềng già, chuối xanh và một ít vôi bột giúp trị hắc lào công hiệu.
Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần hóa học của riềng có khoảng 1% tinh dầu, có mùi thơm long não, chủ yếu có xineola và metylxinnamat. Ngoài ra, còn có chất dầu vị cay gọi là galangola được dùng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi...
Riềng cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Vì chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên riềng rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành. Ngoài ra, riềng còn hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu, giảm khó chịu do viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, riềng chứa nhiều chất chống oxy hóa giảm tác hại của các gốc tự do và độc tố khác trong cơ thể, phòng và trị bệnh về da như ghẻ, lang ben, lở loét và sưng viêm. Ngoài ra, hỗn hợp riềng và nước lá chanh được người dân dùng như thuốc bổ.
7 bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu từ củ riềng
Giềng là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người Việt. Ảnh minh họa
Chữa đau dạ dày do hư hàn
Đau dạ dày do hư hàn là tình trạng đau nhiều khi gặp lạnh, đau có thời gian nhất định, đầy bụng, đại tiện lỏng, nôn nước trong, mạch trầm, sợ lạnh, ăn uống không ngon, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng.
Cách làm: Sắc củ riềng, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, hương phụ mỗi vị 8g, ô dược 10g, sa nhân 4g, đinh hương 7g cùng 3 bát nước. Sắc đến khi còn 1 bát, uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 5 ngày.
Làm thuốc xoa bóp
Phơi khô và thái nhỏ 20g riềng,16g thiên niên kiện, 24g quế, 20g thạch xương bồ, 16g trần bì. Sau đó đổ ngập rượu vào ngâm trong 10 ngày.
Khi sử dụng lấy bông nhúng vào thuốc sau đó xoa lên chỗ đau, kếp hợp day bấm nhẹ. Thuốc này có thể dùng khi bị đau xương, trật ngã, sưng đau khớp, đau nhức cục bộ,...
Chữa lang ben
Củ riềng 100g, 1 quả chanh tươi, lá và củ chút chít 100g. Giã nát củ riêng, lá và củ chút chít, chanh vắt lấy nước rồi đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
Chữa phong thấp
Riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi loại 60g, sấy khô sau đó tán nhỏ. Dùng từ 5-7 ngày mỗi lần khoảng 4g pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, một ngày uống 2 lần.
Chữa đau bụng do lạnh
Củ riềng 20g, búp ổi 60g, nụ sim 8g mang đi sấy khô rồi tán tất cả nguyên liệu thành bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc sấy khô củ riềng 200g, hậu phác 80g và quế 120g. Sắc 12g nguyên liệu với 200ml nước, đến khi còn 50ml thì tắt bếp để nguội rồi uống trong ngày. Dùng trong 2 - 4 ngày.
Chữa ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn gây đau bụng, nôn mửa, kèm theo đại tiện lỏng, cơ thể có biểu hiện mất nước, rối loại điện giải, mạch nhanh, huyết áp dưới mức bình thường: củ riềng 16g, hoàng liên 10g, biển đậu 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sinh khương (nướng) 10g, thảo quả 10g, quế 6g, chích thảo 10g, bán hạ chế 8g. Cho các vị vào ấm, đổ nước 3 bát, sắc còn 1,5 bát, chia làm 3 lần uống (cách 2 giờ uống 1 lần).
Chữa sốt rét
Trộn bột riềng 300g, bột thảo quả 100g, bột quế khô 100g với mật ong. Sau đó vo thành viên to bằng hạt bắp. Dùng 15 viên mỗi ngày trước khi lên cơn. Hoặc tẩm củ riềng với 40g dầu vừng sao, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn rồi vo viên bằng hạt bắp, uống ngày 15 - 20 viên.
Lưu ý cần tránh khi dùng củ riềng làm thuốc
Riềng có thể được phơi khô để dùng dần. Ảnh minh họa
Củ riềng, mặc dù được nhiều người coi là một loại thuốc tự nhiên, nhưng sử dụng quá mức đều không tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng việc sử dụng củ riềng như một thực phẩm chức năng với liều lượng 2.000mg/kg trọng lượng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm giảm năng lượng, mất khẩu vị, tiểu nhiều, tiêu chảy, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Những tác dụng phụ này không xảy ra khi sử dụng củ riềng với liều lượng thấp hơn 300mg/kg.
Nếu bạn muốn sử dụng củ riềng như một vị thuốc để chữa bệnh, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.