Ngày 22/2, tin từ Bệnh viên đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, ông T.Q (57 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, ngưng tim 90 phút đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T.Q.
Trước đó vào ngày 27/1, bệnh nhân Q được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội.
Tiếp nhận ca bệnh, thấy ông Q có dấu hiệu đau ngực nên các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và chỉ định đo điện tim. Tuy nhiên, khi vừa đo điện tim xong, nhịp tim bệnh nhân tụt dần và dẫn tới ngưng tim, ngưng thở, mạch, huyết áp đều bằng 0.
Ngay lập tức các bác sĩ bật chế độ báo động đỏ toàn viện, huy động các y, bác sĩ ở các khoa, phòng tập trung cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn cho bệnh nhân; đặt ống thở, ép tim ngoài lồng ngực và tiêm thuốc hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân.
Ê kíp bác sĩ sau đó cấp cứu liên tục, tiêm 30 ống thuốc hồi sinh tim phổi, sốc điện 4 lần trong vòng gần 90 phút nhưng bệnh nhân vẫn không tiến triển.
May mắn, khi bác sĩ kiên trì ép tim tới phút thứ 90 thì nhịp tim của bệnh nhân bắt đầu đập lại và các bác sĩ triển khai biện pháp làm tái thông động mạch vành bên phải (trước đó bị tắc hoàn toàn) giúp mạch, huyết áp của bệnh nhân dần trở về ổn định.
Sau một ngày theo dõi, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy đa tạng nên đã cho lọc máu liên tục suốt 48 tiếng. Bệnh nhân đáp ứng tốt, chức năng gan, thận được cải thiện, mạch, huyết áp dần tốt hơn, bệnh nhân tỉnh táo, có thể tự thở và cai máy thở.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh
Bác sĩ Võ Chí Trung cho biết, đây là trường hợp cấp cứu nặng nhất từ trước tới nay, bệnh nhân vượt qua nguy kịch và tỉnh táo sau 90 phút bị ngưng tim, ngừng tuần hoàn là một kỳ tích.
Theo bác sĩ Võ Chí Trung, đối với các trường hợp ngưng tim, ngưng thở, nếu không được cấp cứu kịp thời 90% sẽ dẫn tới tử vong. Trường hợp bệnh nhân T.Q rất may mắn do sau khi có triệu chứng đã nhanh chóng tới bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân ngưng tim, ngưng tuần hoàn nội viện nên các bác sĩ đã kịp thời cứu sống.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh là chính, phải tập thói quen ăn uống khoa học, hạn chế dầu mỡ, chất ngọt, chất béo, thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với những người cao tuổi hoặc những người có yếu tố nguy cơ như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, hút thuốc lá nên đi tầm soát bệnh thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.