Theo tờ Wales Online của Anh, ngày 3/6 của 10 năm trước (2011), Samantha Jenkins bỗng nhiên cảm thấy không khỏe sau khi về nhà và bị tiêu chảy. Cô nhiều lần bày tỏ sự khó chịu trong cơ thể với mẹ mình nhưng mẹ cô lại nghĩ rằng chỉ là do trời nóng quá nên có thể Samantha bị mất nước và bảo cô đi uống thêm nước. Không ngờ ngay sau đó, cô bất ngờ ngã lăn ra đất và được đưa đến Bệnh viện Hoàng tử Philip.
Lúc này, Samantha bắt đầu lên cơn co giật. Mẹ cô cho biết: "Khi đó, các bác sĩ nói rằng con bé quá yếu, không thể tiếp nhận điều trị do lượng muối trong cơ thể quá thấp, vì vậy họ đã gây mê cho Samantha. Họ nói rằng khi lượng muối trở về trạng thái bình thường, con bé sẽ được đưa ra khỏi đó (máy gây mê) và xác định điều gì đã xảy ra".
Samantha trước khi qua đời.
Không may, tình trạng của Samantha không hề được cải thiện. Các bác sĩ đã tháo máy gây mê nhưng tự Samantha đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. 3 ngày sau, Samantha tử vong tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Morriston (được chuyển viện trước đó). Sau khi xem xét hình ảnh quét não của Samantha, các bác sĩ nhận ra có thứ gì đó đã đầu độc cô, khiến cô qua đời do co giật và thiếu chất điện giải nghiêm trọng.
Mẹ của Samantha, bà Maria lúc này vừa đau buồn, vừa nhớ lại xem liệu rằng con gái mình đã tiếp xúc với bất kỳ loại thuốc chống đông nào trước đó hay không. Các bác sĩ cũng không ngừng thực hiện báo cáo độc chất học để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho Samantha nhưng vẫn không có manh mối gì.
Nguyên nhân là do kẹo cao su?
Một ngày, bà Maria chợt nhớ ra thói quen thường xuyên nhai kẹo cao su của con gái mình. Bà tìm thấy rất nhiều giấy gói kẹo và những gói kẹo cao su rỗng trong phòng của Samantha. Được biết, mỗi ngày Samantha có thể ăn tới 1 gói kẹo cao su, có lúc 2 gói mỗi ngày. Khi lục tìm trên trang Facebook của Samantha, Maria nhận thấy 2 năm trước, con gái bà liên tục phàn nàn về việc không thể ngủ được và đau đầu, tần suất càng tăng lên vào thời điểm gần ngày Samantha gặp phải biến cố.
Theo tìm hiểu của bà Maria qua internet, việc nhai kẹo cao su quá thường xuyên có thể khiến bạn gặp phải ảo giác hoặc bị nghiện. Chất nhân tạo có trong kẹo cao su rất nguy hiểm, đặc biệt là aspartame và sorbitol. Nó khiến lượng muối trong cơ thể giảm mạnh và có thể dẫn đến nhiều tình trạng bất ổn mà có thể bị chẩn đoán nhầm là bệnh lupus, hội chứng ruột kích thích; cùng hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác cho cơ thể.
Bác sĩ Paul Griffiths, chuyên gia giải phẫu bệnh tại Bệnh viện Morriston cho biết mặc dù chất tạo ngọt được sử dụng trong kẹo cao su được chứng nhận là an toàn cho sức khỏe nhưng cũng có các nghiên cứu chỉ ra rằng nó làm thiếu hụt các chất điện giải trong cơ thể như magie, kali, natri và canxi.
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày Samantha qua đời nhưng nguyên nhân gây ra cái chết của cô vẫn chưa được lý giải một cách rõ ràng. Qua câu chuyện của con gái mình, bà Maria muốn mọi người, đặc biệt là người trẻ hãy thật cảnh giác với những thứ mình ăn vào, tránh thảm kịch tái diễn.
Nguồn và ảnh: Wales Online