Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, hàm lượng protein trong thịt vịt vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acid nicotic… trong thịt vịt cũng ở mức rất cao. Đây là những chất cần thiết cho sức khỏe, chính vì vậy có thể nói thịt vịt là một nguồn bổ sung chất dinh dưỡng hết sức dồi dào.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thịt vịt có chứa nhiều vitamin B và vitamin E hơn các loại thịt khác, có thể chống lại bệnh beriberi (bệnh tê phù), viêm dây thần kinh và nhiều loại viêm khác, cũng như có khả năng chống lão hóa hiệu quả.
Trong thịt vịt có chứa nhiều niacin (vitamin B3), là thành phần của hai coenzym quan trọng trong cơ thể, giúp bảo vệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, thịt vịt có tỉ lệ axit béo bão hòa, axit béo không bão hòa đơn, axit béo không bão hòa đa gần với giá trị lý tưởng, thành phần hóa học gần giống dầu ô liu, có tác dụng giảm cholesterol, tốt cho việc phòng ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não.
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng cao.
Tác dụng của thịt vịt trong Đông y
Theo các thư tịch Đông y cổ, thịt vịt có vị ngọt, mặn, tính lạnh, quy kinh Tỳ, Vị, Phế, Thận. Thịt vịt có tác dụng bổ hư lao, tư dưỡng phần âm cho ngũ tạng, thanh nhiệt do hư lao gây ra, bổ huyết hành thủy, dưỡng vị sinh tân, chỉ khái, thanh nhiệt kiện Tỳ, chủ trị các chứng hư nhiệt phù thũng, thân thể hư nhược, Phế Vị âm hư, Can Thận âm hư…
Thịt vịt là món ăn bài thuốc rất phù hợp cho những trường hợp nóng trong người, người hư nhược, ăn uống kém, nóng sốt, đại tiện táo. Theo Đông y, có thể nói thịt vịt chính là một "món thuốc bổ thượng hạng".
Tại sao nên dùng thịt vịt trong mùa thu?
Mùa thu theo Đông y là mùa của táo khí, dương khí liễm nạp. Táo khí là thứ khí chủ sự khô ráo nên không khí sẽ dần trở nên khô hơn.
Càng vào mùa thu, không khí sẽ càng khô ráo hơn, thân thể con người là một trời đất thu nhỏ nên có sự đồng ứng với môi trường bên ngoài.
Chính vì vậy, món ăn bổ dưỡng lúc này là rất cần thiết, một mặt để bù đắp cho sự hao hụt của cơ thể trong mùa hè nóng bức, mặt khác để chuẩn bị chống lạnh vào mùa thu đông, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Do đó các món ăn từ thịt vịt rất thích hợp vào mùa thu, có tác dụng:
- Dưỡng âm thanh nhiệt: Người có nhiệt bên trong cơ thể vào mùa thu sẽ cảm thấy dường như khó chịu hơn những người khác. Thịt vịt là một món ăn rất phù hợp, ăn vào có thể giải nhiệt, đồng thời dưỡng âm, tốt cho tỳ vị.
Người có vị âm hư tổn, chán ăn, âm hư nội nhiệt mà đại tiện khô kết, ăn vào rất có lợi. Từ rất lâu, trong các sách y học như "Bản thảo cương mục" đã ghi chép thịt vịt có công dụng chữa bệnh bằng thực phẩm.
Món ăn từ thịt vịt tốt cho tỳ vị.
- Bổ sung dinh dưỡng và tốt cho dạ dày mà không gây nóng: Danh y Lý Thời Trân trong cuốn "Bản thảo cương mục" ghi chép: "Thịt vịt chủ đại bổ hư lao, giải độc nhiệt, lợi tiểu tiện, trừ phù thũng, tiêu trướng đầy, lợi tạng phủ, tiêu sưng tấy, định kinh giản".
Nếu như nhiều loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đồng thời sẽ gây nóng cho cơ thể thì thịt vịt lại ngược lại. Vịt là loài gia cầm hoạt động nhiều trên mặt nước, thức ăn của vịt phần lớn là sinh vật dưới nước, do đó thịt của chúng có tính hàn, vị ngọt, vào kinh Phế, Vị, Thận, có tác dụng bổ hư lao, dưỡng âm của ngũ tạng, thanh nhiệt hư lao, dưỡng vị sinh tân.
- Dưỡng vị sinh tân và dưỡng phế dưỡng âm: Thịt vịt có đặc tính dưỡng âm dưỡng vị, thích hợp để ăn vào mùa thu. Thời tiết khô hanh của mùa thu dễ làm mất tân dịch và khí, gây khó chịu cho Phế và Vị. Thịt vịt có tác dụng dưỡng Phế dưỡng âm, dưỡng Vị sinh tân, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do vấn đề này gây ra.
Cần lưu ý rằng, vịt tuy là món ăn bổ dưỡng thích hợp cho mùa thu nhưng không nên vì thế mà ăn quá nhiều, có thể gây ra các vấn đề không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, vịt có tính hàn, người có Tỳ Vị hư hàn, dễ tiêu chảy nên ăn ít. Những người này muốn ăn vịt, phải thêm các gia vị có tính ấm, hỗ trợ cho hoạt động của Tỳ, Vị như gừng, hạt tiêu…