Khi thế giới vượt 12 triệu ca nhiễm Covid-19 thì Việt Nam được xem là kiểm soát tình hình dịch bệnh ổn định, không có ca lây nhiễm cộng đồng trong suốt nhiều tháng. Những hàng xếp dài mua khẩu trang, hay sự ám ảnh phải rửa tay của chúng ta mỗi ngày cũng đã theo đó mà bay mất dạng, một phần do tâm lý lạc quan quá đà dẫn đến chủ quan.
Chúng ta nghĩ rằng xung quanh không còn người bệnh, và bản thân cũng không tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ ai nhiễm bệnh, thì khả năng mắc bệnh gần như bằng không.
Thế nhưng, hiện vẫn chưa có vaccine chính thức, và nguy cơ tái bùng dịch vẫn tiềm tàng. Từ khi các quốc gia châu Âu nới lỏng các biện pháp hạn chế, khu vực này đã ghi nhận trung bình gần 20.000 ca mắc mới và hơn 700 ca tử vong do dịch Covid-19 mỗi ngày. Làn sóng thứ hai ập vào Trung Quốc và Hàn Quốc càng khiến chúng ta phải nên nhớ rằng lạc quan thì được, chủ quan thì đừng, bởi không chỉ Covid-19, mà còn rất nhiều dịch bệnh khác có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu chúng ta không xây dựng và duy trì thói quen bảo vệ sức khỏe tốt.
Nhằm mang đến một cái nhìn trực quan sinh động về sự lây lan khó kiểm soát của vi khuẩn hay virus trong môi trường sống xung quanh, bác sĩ Phạm Lê Duy (Tiến sĩ Y khoa về Dị ứng – Miễn dịch, Đại học Y Dược TP.HCM) đã thực hiện các thử nghiệm mô phỏng kiểm chứng tính chính xác của suy nghĩ "phải tiếp xúc trực tiếp mới bị lây vi khuẩn".
Chỉ trong vài phút của video, kết quả từ các thử nghiệm trực quan khiến người xem không khỏi bất ngờ và muốn rửa tay ngay lập tức.
Vi khuẩn (mô phỏng bởi bột chuyên dụng không thấy được bằng mắt thường) đã nhanh chóng nhuốm màu cả văn phòng, khiến tất cả mọi người trong phạm vi đó đều bị lây dù đã hạn chế tiếp xúc F0.
Không dừng lại ở đó, kết quả thử nghiệm cho thấy bạn có thể bị lây từ những người bạn không hề tiếp xúc, cụ thể như anh bảo vệ đã lây nhiễm chéo qua chiếc máy chấm công.
Trời đánh tránh bữa ăn, nhưng vi khuẩn thì không lăn tăn khi lây lan đâu nhé!
Thử nghiệm cũng cho thấy các hàng quán nhiều người lui tới, những nơi công cộng ẩn chứa nhiều nguy cơ lây lan. Vì ngay cả khi phục vụ có lau dọn sạch sẽ, thì vi khuẩn vẫn có thể bám trên hộp khăn giấy, hộp gia vị, thành bàn, thành ghế như cách vi khuẩn đã "phủ lấp" cả một quán ăn.
Vì sức khỏe trẻ thơ, đừng quên rửa tay khi trở về nhà.
Thói quen bế bồng, ôm hôn con ngay khi về tới nhà có thể mang vi khuẩn bên ngoài về lây cho con trẻ, thông qua bàn tay chưa được rửa sạch với xà phòng.
Trong thử nghiệm, số lượng bột mô phỏng là không đổi mà đã có sức lây lan lớn như vậy, trong khi thực tế các mầm bệnh này còn có khả năng sinh sôi nảy nở theo thời gian. Theo học thuyết Six Degree Of Separation, chỉ cần thông qua 6 người ngẫu nhiên, bạn đã có thể kết nối với cả thế giới.
Hãy cứ lạc quan để vững vàng tinh thần, chỉ cần bạn nhớ chăm rửa tay với xà phòng hơn!
Sau mỗi một kỳ khủng hoảng, mỗi chúng ta đều rút ra những kinh nghiệm cốt lõi và thành hình thói quen. Đừng để an toàn trước mắt làm chúng ta quên đi một bài học đắt giá của cuộc sống, cụ thể là quan tâm đến sức khỏe bằng những hành động nhỏ nhất.
So sánh độ sạch của bàn tay trước và sau rửa
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), sau 20 giây rửa tay với nước và xà phòng hoặc gel rửa tay khô, chúng ta có thể ngăn ngừa được tới 200 bệnh. Không chỉ vậy, vệ sinh đôi tay còn là hàng rào bảo vệ đầu tiên ngăn ngừa khoảng 30% bệnh tật liên quan đến tiêu chảy và khoảng 20% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (như cảm lạnh).
Sau một cơn bạo bệnh, người mẹ học được cách ăn rau nhiều hơn, đi ngủ sớm và uống nước đủ. Sau một kỳ thực tập thất bại, anh nhân viên học được những lỗi sai ở bản thân và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Sau một lần tai nạn, người bố học được cách tham gia giao thông cẩn thận hơn.
Đừng đợi tới sau một sự kiện tiêu cực mới học được những điều hiển nhiên. Và cũng đừng đợi tới khi mắc bệnh, lây nhiễm cho người thân mới thay đổi thói quen hằng ngày. Chỉ cần rửa tay với xà phòng và nước sạch thường xuyên theo đúng 6 bước chuẩn, bạn đã giảm được 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... cho mình, con trẻ và tất cả những người thân yêu đó.
Lạc quan thì được, chủ quan thì đừng!