Không ngờ ăn rau lại nhiễm sán!
Trong quá trình thăm khám, GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng tại Việt Nam đã từng gặp rất nhiều trường hợp bị tổn thương gan do nhiễm ký sinh trùng.
Một trong số đó là trường hợp bệnh nhân tại Vinh với hình ảnh có tổn thương gan. Sau đó, bệnh nhân có chỉ định phải cắt bỏ một phần lá gan. Tuy nhiên, khi mổ ra bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng.
Hay như trước đây, có một trường hợp ở Hà Tĩnh, bệnh nhân được chuẩn đoán ung thư gan đa ổ ở bệnh viện tuyến dưới. Sau đó, bệnh nhân có đi khám và được GS Đề phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ sán lá gan lớn sau đó đã khỏi bệnh.
Điều đáng lưu tâm là cả 2 trường hợp mắc sán lá gan lớn trên đều có thói quen thích ăn sống, ăn gỏi các loại rau mọc dưới nước như rau rút, rau muống…
Bệnh viện Đăng Văn Ngữ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương) cũng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sán lá gan lớn có những tổn thương gan nghiêm trọng.
Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân nghi ngờ sán lá gan lớn được chuyển tới bệnh viện điều trị do mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, da vàng… Kết quả siêu âm của bệnh nhân cho thấy hình ảnh tổn thương gan là những ổ âm hỗn hợp hình tổ ong. Kết quả xét nghiệm phát hiện kháng thể sán lá gan lớn bằng phương pháp ELISA.
Hay như trường hợp cô gái trẻ 24 tuổi, quê Hưng Yên vào viện trong tình trạng đau thượng vị lan sang vùng hạ sườn, đại tiện máu, vàng mắt, sụt cân, ăn uống không ngon, mất ngủ... Cô gái trẻ đã khám tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội và nghi ngờ mắc bệnh về đường mật. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu chuyên sâu, các bác sĩ nhận thấy gan bệnh nhân bị tổn thương do bị nhiễm sán lá gan lớn. Chính điều này đã khiến gan bị tổn thương, từ đó gây đau bụng, vàng mắt, vàng da...
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, qua khai thác tiền sử dịch tễ và thói quen sinh hoạt, bệnh nhân cho biết thi thoảng có đi ăn hàng quán, mỗi lần ăn sáng cô đều ăn rau sống - tái, trong đó có các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống chẻ, cần nước.
Triệu chứng khi nhiễm sán lá gan lớn
GS Đề cho hay, bệnh nhân thường bị nhiễm sán lá gan lớn qua ăn uống, ăn rau sống. Trong đó, có hai loại chính đó là rau thủy sinh và rau trên cạn.
Đối với rau thủy sinh là các loại rau ở dưới nước và bùn lầy như rau ngổ, rau muống nước, rau cải xoong, rau cần nước… Trong các loại rau thủy sinh thường có hai loại ký sinh trùng chính đó là sán lá gan lớn Fasciola và sán lá ruột lớn Fasciolopsis.
Hai loại sán này đi vào cơ thể qua đường ăn uống, cụ thể là ăn các loại rau thủy sinh sống và tái, làm nộm, gỏi… Ấu trùng 2 loài sán này chui vào trong kẽ lá nên rửa không thể hết. Một số người ăn lẩu chỉ nhúng tái thì ấu trùng vẫn sống và gây bệnh.
Sán lá gan lớn khi vào cơ thể thường ký sinh ở gan, nhưng cũng có trường hợp ký sinh tại phổi, tuyến vú, khớp, dưới da hay tinh hoàn, buồng trứng … tạo nên các ổ tổn thương ở đó.
"Bản chất sán lá gan lớn không ký sinh trên lá rau, mà chúng ký sinh ở thành thân rau, hoặc ở bên trong các thân cây rau. Do vậy, chúng ta có rửa sạch đến mấy cũng không hết được ký sinh trùng", GS Đề lưu ý.
Theo chuyên gia sau khi bị nhiễm sán lá gan lớn, sán sẽ xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán sẽ xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng.
Trứng sán được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước nở thành ấu trùng lông rồi ký sinh trong ốc phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước. Nếu người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải nang trùng sẽ vào dạ dày tới ruột rồi lên gan và ký sinh tại gan. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm.
Triệu chứng khi nhiễm sán lá gan lớn, bệnh nhân sẽ mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; Sốt: thường sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi sẽ tự hết, đôi khi sốt kéo dài; Thiếu máu: làm cho da xanh, niêm mạc nhợt gặp ở các trường hợp bị nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Một số triệu chứng tiêu hóa điển hình thường gặp nhất là đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị xương ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ dữ dội, cũng có đôi khi không đau bụng, có cảm giác như đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn.
Một số bệnh nhân biểu hiện lâm sàng biến chứng như: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá,... Sán lá gan lớn gây áp xe gan, bệnh nhân đau hạ sườn phải dữ dội, sốt, gan to. Nếu khối áp xe vỡ lên phổi có thể gây tràn dịch màng phổi, bệnh cảnh nặng nề.
Triệu chứng của bệnh sán lá gan có biểu hiện giống với các bệnh lý khác ở gan như viêm gan virus, viêm đường mật do sỏi, ung thư gan, hay áp xe gan do các nguyên nhân khác... Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám kỹ để được điều trị thích hợp.
Để phòng sán lá gan lớn, GS Đề lưu ý cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn các loại cá, ốc khi chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước; Thực hiện rửa tay trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải; Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau; Sử dụng nước sạch để ăn uống; Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Bệnh sán lá gan là một bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.