Gan được ví như ''nhà máy hóa chất'' giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại. Tuy nhiên, một số thói quen xấu nhiều người vẫn hay mắc có thể làm tăng gánh nặng và gây ảnh hưởng cho gan. Vậy, làm thế nào để ''thải độc'' cho gan an toàn? Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ y khoa.
1. Những điều cần biết về gan
Bác sĩ y khoa Ravi Chandiramani cho biết: "Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nặng trung bình khoảng 3 pound (khoảng 1,36kg) đối với người trưởng thành. Gan cũng là cơ quan nắm giữ nhiều chức năng quan trọng của cơ thể''. Cụ thể bao gồm:
- Gan sản xuất dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp hấp thụ chất béo và dự trữ một số loại vitamin như vitamin A, D, E, K, B12, cùng với sắt và đồng.
- Gan giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu và cơ thể con người.
- Gan tổng hợp các yếu tố đông máu.
- Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần, giúp ổn định đường huyết và cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể.
- Gan sản xuất albumin (protein phổ biến nhất trong huyết thanh) giúp duy trì áp lực keo (một dạng áp suất thẩm thấu được tạo bởi protein, đặc biệt là albumin) trong máu, giữ cho nước không rò rỉ ra ngoài mạch máu.
2. Nguyên nhân khiến nhiều người muốn ''thải độc'' cho gan
Bác sĩ Chandiramani nói: "Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế như ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên các loại thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ có thể làm tăng thêm gánh nặng cho gan và gây ảnh hưởng tới sức khoẻ''.
Ngoài ra, các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia cũng khiến gan phải tăng cường xử lý các chất độc hại. Hoặc nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến chức năng gan".
Các yếu tố trên khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, từ đó khiến nhiều người nghĩ đến việc ''thải độc'' cho gan.
3. Làm thế nào để ''thải độc'' gan an toàn?
Tiến sĩ Chandiramani cho biết: ''Thay vì phải chi nhiều tiền cho các loại nước trái cây, trà, thực phẩm chức năng để thải độc gan, bạn có thể tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống và xây dựng lối sống lành mạnh hơn''.
Bác sĩ Chandiramani nói thêm: "Chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh là hai phương pháp 'thải độc' gan an toàn, đơn giản và dễ thực hiện nhất''.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Bạn có thể thay đổi chế độ ăn đa dạng dinh dưỡng, giảm hấp thụ các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế; ưu tiên ăn những loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa và carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau xanh và các loại hạt.
Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng là chìa khóa giúp bạn ''thải độc'' gan tự nhiên. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đã cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, ngừng hút thuốc, không sử dụng các chất gây nghiện và chất kích thích cũng là một trong những phương pháp ''thải độc'' gan an toàn. Bên cạnh đó, hãy xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách tăng cường tập thể dục để giúp tăng cường sức khoẻ và bảo vệ gan khỏe mạnh.
Ảnh minh hoạ: Giảm hấp thụ các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế như các loại thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ là cách để "thải độc" gan an toàn
Dấu hiệu cho thấy gan không khỏe
Theo bác sĩ Chandiramani, các dấu hiệu cho thấy lá gan không khỏe bao gồm:
- Vàng da hoặc vàng củng mạc (lòng trắng của mắt) do lượng bilirubin (một sản phẩm dị hoá quá trình phân hủy tế bào hồng cầu) cao.
- Cơ thể dễ bị bầm tím do vấn đề sản xuất các yếu tố đông máu.
- Xuất hiện hiện tượng sưng hoặc phù ở chân hoặc mắt cá chân do quá trình sản xuất albumin gặp vấn đề.
- Đau bụng, cơn đau thường xuất hiện ở phần bụng phía trên bên phải gần gan.
- Da bị ngứa do sự tích tụ quá mức của muối mật dưới da.
- Nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường.
- Các dấu hiệu không điển hình nhưng có thể cảnh báo gan đang gặp vấn đề bao gồm luôn cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, cơ thể đau nhức, khô miệng.
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường kể trên, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện tình trạng bệnh và có hướng điều trị kịp thời.